Kinh thành Trà Kiệu- di sản văn hóa Chăm pa

Xã Duy Sơn, Huyện Duy Xuyên, Tỉnh Quảng Nam
vanhoachampa@gmail.com

Mô tả

Trà Kiệu là một địa danh nổi tiếng của huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây đã từng là kinh thành cổ xưa nhất của vương quốc Chăm pa mang tên Simhapura, tồn tại từ những thế kỷ đầu công nguyên. Hiện nay kinh thành cổ được xây bằng gạch vẫn còn lại hơi có góc của hình tam giác, có chiều dài đến 1,5km từ Đông sang Tây và 0,5km từ Nam đến Bắc. Hiện tại, dân cư sinh sống dày đặc ở phần Bắc của thành; phía Nam vẫn duy trì được ruộng lúa. Từ trên đỉnh cao nhất của núi Bửu Châu nằm gọn trong phần Bắc của trung tâm thành cổ, nay nhà thờ Trà Kiệu được xây dựng cũng đã có tuổi cả trăm năm, có thể nhìn thấy khá rõ cảnh sắc đẹp tuyệt trần của toàn vùng Trà Kiệu. Toàn bộ vùng đất phía trong tường thành là phế tích của kinh thành với những công trình xây dựng bằng gạch có quy mô bao gồm cả cung điện,và đền tháp Chăm pa. Vì vậy, Trà Kiệu đã là một trọng tâm nghiên cứu về khảo cổ học, kiến trúc, nghệ thuật, tôn giáo và chính trị trong nhiều thập kỷ.

* Nghiên cứu Trà Kiệu trước 1975:

Trà Kiệu lần đầu tiên được giới khảo cổ học biết đến là từ thế kỷ 19 qua những công bố của Cammille Paris về những dấu tích kiến trúc của khu vực. Ông lưu ý đến những di tích bảo lưu trên đồi Bửu Châu và đã mô tả những bức tượng đá gần chân đồi Bửu Châu (Paris 1891). Năm 1899, Louis Finot đã tới thăm Trà Kiệu và vào năm 1909, những mô tả khái lược về di tích này đã xuất hiện trong cuốn sách về An Nam của Henri Parmentier (Henri Pamentier 1909). Louis Finot cho rằng Trà Kiệu có khả năng chính là thành cổ Simhapura, như đã được ghi chú trên một bia đá thế kỷ thứ 9 và 12, được phát hiện gần Mỹ Sơn (Finot 1904).

Thành xây bằng gạch của kinh đô này cũng đã được nhắc tới trong thư tịch cổ Thủy kinh chú của Trung Quốc viết về kinh thành Linyi - Lâm Ấp vào thế kỷ thứ 6. 

Những năm 1927-1928, Jean - Yves Claeys, một kiến trúc sư người Pháp, đã tiến hành khai quật di tích Trà Kiệu với các điểm A và điểm B (200 mét về phía Đông đồi Bửu Châu). Những bức tượng trang trí kiến trúc tìm thấy ở nơi này đã được báo cáo trong văn phẩm của Paris trước đó. Claeys đã tìm thấy ở điểm (A) một nền kiến trúc gạch tháp có kích thước 14 x 13,5 mét cùng vết tích của một đền thờ nhỏ tại điểm (B). Đây là hai điểm quan trọng trong các khai quật của Claeys với nhiều bệ gạch có trang trí, nền móng kiến trúc tháp và nhiều tượng nghệ thuật điêu khắc bằng đá - nay hầu hết được lưu giữ tại Bảo tàng điêu khắc Chăm, Đà Nẵng, một số khác có kích thước nhỏ ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Paris. Claeys đã thiết lập 12 điểm chú trọng của Trà Kiệu bao gồm A, B, C, D, E, F,J. P, Q, R, V,Y.

Đáng chú ý là từ điểm A thẳng về phía Nam có điểm (R) với một bệ gạch rộng có trang trí của một góc kiến trúc còn lại hình gần tam giác, bao quanh bằng tường kép với rất nhiều gạch ngói đổ vỡ. Ở đây trong số rất nhiều ngói, đã thấy những đầu ngói mặt hề có thể xác định vào thế kỷ 6 khi so sánh với ngói mặt hề Trung Quốc. Claeys cho rằng đây có thể là dấu tích còn sót lại của cung điện Simhapura xưa.

Claeys đã để lại những bản vẽ/ảnh có giá trị về khu vực Trà Kiệu cùng những bản vẽ nghệ thuật về các tượng kiến trúc. Trong một bài công bố các bản vẽ và ảnh, ông nhấn mạnh niên đại thế kỷ 6 cho kinh thành và  thứ 7 cho hai tấm bia thể hiện niên đại của phế tích tháp ông phát hiện tại điểm A, Trà Kiệu.

Về sau, đã có nhiều nhà nghiên cứu thảo luận về những niên đại của ông đưa ra.

 * Nghiên cứu Trà Kiệu từ 1990 đến nay :

 Năm 1990, Nguyễn Chiều - giảng viên của Đại học Quốc gia Hà Nội cùng các thành viên khác đã tiến hành cuộc khai quật đầu tiên của giới khảo cổ học Việt Nam tại Trà Kiệu. Hố khai quật có diện tích 3m x 4m, được mở ra ở rìa chân đồi phía bắc Bửu Châu. Với độ sâu tầng văn hóa tới 2,7 m, người khai quật đã phân chia ra hai lớp văn hóa sớm muộn. Phần phía trên, từ độ sâu 40cm xuống đến 1,8m và 2,05m là phức hợp hiện vật nhiều gạch, ngói, gốm được định niên đại ở thế kỷ 7-8. Tầng dưới từ độ sâu 2,05m đến 2,70m là một lớp văn hóa sớm hơn, gồm gốm Chăm giai đoạn sớm và những mảnh gốm kiểu văn hóa Sa Huỳnh muộn, được xác định niên đại vào cuối thế kỷ 2 đến đầu thế kỷ 4.

Gốm Trà Kiệu được đặc biệt chú ý trong cuộc khai quật này. Các nhà khai quật đã phân tách ra những gốm đặc trưng sớm và muộn từ Sa Huỳnh muộn đến Chăm pa sớm, những đồ gốm Hán và những Kendi mang dáng vẻ Ấn Độ đồng thời cho rằng văn hóa Sa Huỳnh đã được tiếp nối lên thành văn hóa Chăm pa, với sự tham góp do giao lưu rất mạnh với Ấn Độ (Nguyễn Chiều, Hoàng Văn Nhâm 1991: 237-239; Nguyễn Chiều, Lâm Mỹ Dung và Vũ Thị Ninh 1991: 27-28).

Năm 1993, cuộc khai quật của Viện Khảo cổ học Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam hợp tác với Viện Khảo cổ học London, Anh qua GS Ian Glover đã được tiến hành tại Trà Kiệu nhằm tìm hiểu sự nối tiếp văn hóa sớm muộn, từ Sa Huỳnh đến Chăm pa tại kinh thành đầu tiên của vương quốc Chăm pa. Hố khai quật có diện tích 8m x 4m được mở ra ở vườn phía trước nhà ông Tri (thôn Trà Châu). Đây là phần Đông Bắc đồi Bửu Châu, gần chân hàng rào xây của nhà thờ Trà Kiệu.

Tầng văn hóa được chia thành nhiều lớp; từ trên xuống có sáu lớp. Ở lớp trên có nhiều sành sứ đời Tống (Trung Quốc) có niên đại từ cuối thế kỷ 10 đến đầu thế kỷ 13. Lớp giữa bắt gặp một nền gạch nguyên ở độ sâu 1,3m cùng nhiều gạch vỡ, ngói, gốm... Dưới nền gạch, bắt gặp nhiều than gỗ cháy trông tập hợp nhiều gạch vỡ, ngói và gốm tựa như bị cháy đổ. Độ sâu 2,7m cũng là đến lớp sinh thổ với các tảng đá lớn dường như để chặn nước mưa làm xói mòn chân đồi từ xưa.

Các đợt khai quật 1996, 1997,1999 cho đến 2000 trên đất Trà Kiệu đã được thực hiện nhiều lần bởi nhóm nghiên cứu, bao gồm GS Ian Glover, TS Yamagata Mariko, TS Ruth Prior, TS William Southworth, TS Nguyễn Kim Dung, có thêm các nhà nghiên cứu khác tùy các năm thực hiện.

          Các đợt khai quật 1996, 1997, 1998, 1999, 2000 trên đất Trà Kiệu đã được thực hiện nhiều lần bởi nhóm nghiên cứu, bao gồm GS Ian Glover, TS Yamagata Mariko, TS Ruth Prior, TS William Southworth, TS Nguyễn Kim Dung, nhà giáo Nguyễn Chiều và Nguyễn Thị Tuyết - cán bộ Phòng Văn hóa thông tin huyện Duy Xuyên là người tham gia liên tục trong các cuộc khai quật, nghiên cứu.

*Di vật: Đồ gốm. Nghiên cứu gốm Trà Kiệu được thực hiện nhiều lần, tại Phòng Văn hóa thông tin huyện Duy Xuyên và sau này là tại Bảo tàng Sa Huỳnh - Chăm Pa tại Duy Xuyên.

Các loại hình gốm bao gồm nồi thấp miệng rộng, đĩa, bát đáy tròn, ly có chân đế phẳng, nắp các loại đặc biệt nổi trội là nắp hình đĩa,  Kendi, đèn đĩa rồi  các loại chén nhỏ gốm mịn hoặc thô pha nhiều cát; cà ràng với các loại đầu rau khác nhau về hình thức và văn trang trí. Những bình đáy bằng có văn đập ô vuông hay ô trám được so sánh với lò nung gốm Hán ở Tam Thọ, Thanh Hóa. Đặc biệt, lớp sớm nhất của địa tầng tồn tại những mảnh bình hình trứng rất phổ biến trong địa tầng lớp dưới cùng của Trà Kiệu, đồng thời của di chỉ Gò Cấm khai quật sau này. Những nghiên cứu của Ruth Prior cho thấy bình hình trứng được sản xuất từ nguồn nguyên liệu sét sông Thu Bồn. Nghiên cứu có hệ thống về gốm Trà Kiệu đã xuất bản gần đây bởi Yamagata Mariko (2014) cho thấy có thể phân khúc thành ba giai đoạn đồ gốm trong địa tầng Trà Kiệu, tạm gọi lớp sớm nhất, lớp sớm giữa và lớp trên. Qua đó, sự chuyển biến về loại hình và chất liệu của đồ gốm có thể nhận thấy khá rõ rệt.    

* Ngói Trà Kiệu: đặc trưng cơ bản của ngói âm dương giai đoạn sớm là có in dấu vải ở mặt trong, mặt ngoài mang văn chải dọc chiều dài ngói. Muộn hơn, xuất hiện ngói không còn dấu vải bên trong và mở rộng kích thước của ngói âm đồng thời tạo độ dẹt hơn của ngói. Ngói mặt hề cũng đã được tìm thấy qua các đợt khai quật, tại cuộc khai quật 1993 có hai tiêu bản nguyên và hai mảnh vỡ; cuộc khai quật 1997-1999 có thêm một tiêu bản nguyên vẹn và một số mảnh vỡ nữa. Mặt ngói ở Trà Kiệu được nghiên cứu hệ thống bởi Yamagata Mariko và William Southworth.

* Khai quật Thành Nam và Thành Đông - Trà Kiệu 1993, 2013:

Thành Trà Kiệu nằm cách con đường đi Nam Phước - Mỹ Sơn chừng 500-600 mét. Nhìn từ không ảnh, thành có bình diện hơi hình chữ nhật, một cạnh chéo góc. Hiện tại còn dấu vết của thành Đông và thành Nam. Kích thước như sau: Bắc Nam dài 1,5 km; Đông Tây 0,5km. Chiều cao của bờ thành trung bình khoảng 3m so với mặt ruộng xung quanh, một số đoạn bên ngoài có hào nước.

Thành Nam (2003) do Đại học Quốc gia Hà Nội khai quật dựa trên hố thám sát năm 1990 gần góc Đông Nam của thành. Hố đào hình chữ T xuống độ sâu 3,64m. Theo báo cáo sơ bộ của người chủ trì khai quật, Nguyễn Chiều (Đại học Quốc gia Hà Nội) thành được xây dựng bằng gạch ốp hai cạnh và đất đắp ở giữa rộng 6m. Có đá tảng gia cố phần chân móng nơi ốp gạch. Hiện vật ngoài ngói, gốm thô còn có một ngói mặt hề. Dựa vào kết quả khai quật của Nguyễn Chiều, sau này các nhà nghiên cứu cho rằng thành Trà Kiệu có niên đại khởi xây từ khoảng thế kỷ thứ 4, sau đó có những bằng chứng sửa chữa, gia cố lại vài lần ở những giai đoạn muộn hơn (Lâm Thị Mỹ Dung, 2008: 169 - 197).

Thành Đông (2013) do Trung tâm Khảo cổ học, Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ, Đại học Kanazawa (Nhật Bản) cùng Bảo tàng tỉnh Quảng Nam tiến hành khai quật tháng 2/2013 và tháng 8/2013.

80m2 của hố khai quật hoạch định ở đầu phía Đông thành Trà Kiệu (15 49’19.6” N và 108 14’24.1” E), giáp ranh con sông cổ, đường giao thông thủy tự nhiên của thành đã được vẽ khá rõ trên bản vẽ của Klaeys năm 1927-1928.

Kết quả khai quật cho thấy thành có kết cấu xây dựng bao gồm lõi thành (nện chặt bằng nhiều lớp đập đất sét thuần), ốp hai bên là tường xây gạch; mỗi tường rộng khoảng 1,5m, và nằm cách nhau 2,5m, chạy song song theo hướng Bắc Nam - lệch tây 8o. Mặt cắt của phần tường gạch hình thang cân; trục đứng áp với sét nện ở lõi giữa thành. Cấu trúc xây dựng thành khối đặc, kết chặt với sét đầm nên có cảm giác hai bên rất vững chắc.

Nghiên cứu mặt cắt ngang của tường thành, có thể nhận thấy thành Trà Kiệu có nhiều giai đoạn xây dựng hoặc sửa chữa. Ở phần phía dưới, mặc dầu không thấy chân móng nhưng các viên gạch được xây khá đều và ngay ngắn, kích thước gạch lớn, phần phía trên với độ dày 40cm, có ba bốn hàng gạch kích thước gạch đều nhỏ hơn và xây đơn giản có phần cẩu thả, đôi khi còn tận dụng cả gạch vỡ chèn vào. Phần tường thành cao nhất còn lại là 2m với 22 lớp gạch. Phủ đều lên trên hai bờ gạch này là một lớp mặt đường của thành dày 5-8cm gồm một hỗn hợp sét trộn lẫn gạch nghiền nhỏ có màu nâu đỏ.

Bên trên bề mặt thành có vết tích của sáu bệ sỏi, kết cấu hình vuông hoặc gần vuông 0,5m x 0,5m chứa đựng sỏi kích thước nhỏ (2 x 2cm), hoặc sỏi lớn hơn (4 x 4cm) lẫn sét, nằm khá cân xứng  ở cả hai bên bờ tường gạch với ba bệ mỗi bên.  Cả sáu nền sỏi kết hợp với nhau cho một hình dung về các cột chống đỡ cho mái che ở bên trên chúng. Cùng với nhiều ngói vỡ tìm thấy hai bên bờ tường cho thấy có lẽ đã có một số kiến trúc được xây dựng bên ở đầu góc của thành Đông Trà Kiệu với chân tảng là nền sỏi đầm với sét, cột gỗ và mái ngói âm dương; kèm theo cả đầu ngói ống mặt hề cho thấy có khả năng đây là một kiến trúc gỗ nằm trên mặt  thành, có thể là nơi quan sát bảo vệ như điếm canh xây ở các góc thành, cũng có thể đây là chứng tích của mái che chạy dài suốt bờ thành.

Hiện vật tìm thấy trong hố khai quật chủ yếu là các mảnh ngói âm dương với rất ít mảnh vỡ của ngói mặt hề; một số mảnh bình gốm Kendi, gốm Hán in ô vuông và các mảnh nồi ám khói cho thấy đã có những hoạt động nhất định tại đây.

Niên đại C14 phân tích tại Nhật Bản (4-2013) cho kết quả 1730 ± 20BP từ mẫu than ký hiệu 13TDTKH1A4, được lấy trong lớp ngói vỡ lẫn than cháy; những di vật tìm thấy cũng đồng thuận với dự kiến về niên đại đầu thế kỷ thứ 4 của thành Trà Kiệu, tương đương với lớp giữa của địa tầng Hoàn Châu khai quật năm 1997. Niên đại này gần gũi với niên đại của bia ký và những kiến trúc đầu tiên được Bhadravarman I xây dựng bằng gỗ tại Mỹ Sơn (Trần Kỳ Phương, 1988:10).

- Kết luận:

Di tích Trà Kiệu, bao gồm thành xây gạch và toàn bộ diện tích bên trong lòng thành, là một vùng văn hóa Chăm pa cổ quan trọng. Đây không chỉ là kinh đô đầu tiên của nước Lâm Ấp, với sự giàu có hùng vĩ của cung điện, nghệ thuật điêu khắc - kiến trúc qua hàng trăm tượng đá, đồng cùng dấu ấn của các ngành nghề từ nông nghiệp đến thủ công nghiệp đặc biệt là nghề kim hoàn, làm thủy tinh...mà còn cho thấy những quan hệ giao lưu và buôn bán rộng rãi với các vương quốc cùng thời khác.

Những kết quả khai quật nghiên cứu từ năm 1990 trở lại đây ở Trà Kiệu, đã chứng minh sự diễn biến văn hóa liên tục từ giai đoạn sớm nhất có niên đại đầu Công nguyên đến những giai đoạn về sau, giai đoạn rực rỡ nhất của kinh thành Simhapura - kinh thành Sư Tử, cho tới cả những giai đoạn suy thoái của nó. Những di tích bệ kiến trúc khai quật được ở Hoàn Châu cho thấy ít nhất khu vực này đã trải qua bốn giai đoạn xây dựng, từ sơ giản cho đến phức tạp; từ bằng chứng cho cấu kiện xây dựng nhẹ với khung gỗ, cột gỗ dựng trên trụ sỏi, đến các kết cấu thực sự nặng nề, quy mô với trụ gạch vững chãi, bề thế. Cùng với kết quả khai quật Gò Cấm, một lần nữa niên đại giai đoạn sớm của Trà Kiệu được minh chứng là cuối thế kỷ thứ nhất, đầu thế kỷ thứ hai.  Một loạt niên đại C14 của gỗ tìm thấy trong bệ sỏi lớp sớm Trà Kiệu và mẫu than trong sàn nhà gỗ cháy Gò Cấm đưa đến những kết quả tương đồng ủng hộ cho niên đại này.

Các giai đoạn muộn hơn, gốm và ngói cũng biến đổi loại hình. Kỹ thuật làm ngói đã phát triển hơn, các quan hệ trao đổi kinh tế - chính trị mở rộng ra thế giới với sự có mặt của nhiều đồ sứ Trung Hoa, gốm sứ Islam, thủy tinh và tiền cổ Ai cập...

Vì những giá trị của nó, Trà Kiệu thực sự cần và phải được bảo vệ, bảo tồn. Di tích khảo cổ học thành Trà Kiệu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 676/QĐ-BVHTTDL/2013 ngày 07/2/2013, xếp hạng di tích cấp quốc gia.

 

Điểm lân cận

Bản đồ