Quảng bá du lịch qua lễ hội

20/11/2021

Được ví von là “thành phố lễ hội”, Hội An trở thành nơi du khách có thể hòa mình vào không gian vui nhộn của các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới.

Hấp lực lễ hội

Thống kê cho thấy, hiện Hội An có gần 20 lễ hội truyền thống và hiện đại được tổ chức thường niên. Có thể kể đến các lễ hội tết âm lịch, đón năm mới dương lịch, trung thu, giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản, Hợp xướng quốc tế, Liên hoan Ẩm thực quốc tế… Ngoài ra, còn có các lễ hội dân gian, làng nghề tại xã, phường như lễ hội cầu bông, cầu ngư, giỗ tổ nghề yến, lễ hội làng mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, ngày hội bắp nếp Cẩm Nam… Không phải ngẫu nhiên mà Hội An được mệnh danh là “thành phố lễ hội”; được các tổ chức, tạp chí du lịch uy tín quốc tế bình chọn như là điểm đến hấp dẫn và ưa thích trên thế giới. Đó không chỉ là không gian tràn ngập ánh đèn lồng về đêm trong phố cổ, hay những chiếc thuyền dập dìu thả muôn vàn hoa đăng trên sông mà còn là nét đẹp văn hóa truyền thống và hiện đại được phô diễn trong các lễ hội… Các lễ hội đã góp phần quan trọng vào thành công của du lịch Hội An suốt những năm qua.

Ông Võ Phùng – Giám đốc Trung tâm VHTT Hội An nhìn nhận, lễ hội là một phần tất yếu không thể tách rời của Hội An, nhất là không gian phố cổ. Những cái tên như lễ hội lồng đèn hay Đêm rằm phố Hội… đã trở thành nét đặc trưng của mảnh đất này. Tại sự kiện “Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam và Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản lần thứ 16 -2018” sẽ diễn ra tối 17.8, dù chưa có những thống kê chính thức nhưng dự báo lượng khách sẽ đổ về Hội An nhiều hơn thường lệ. Khảo sát một số cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố cho thấy tỷ lệ đặt phòng khá cao, từ 80% - 90%, thậm chí một số cơ sở đã kín phòng. Ông Võ Phùng cho rằng, ngoài ý nghĩa về truyền thống, ngoại giao đối tác chiến lược và sự giúp đỡ to lớn từ phía Nhật Bản cho Hội An thì hiệu quả lớn nhất về mặt du lịch chính là giúp quảng bá hình ảnh Hội An đến thị trường khách Nhật, qua đó thu hút khách Nhật Bản đến Hội An, Quảng Nam. “Không riêng gì lễ hội Việt Nhật mà hầu như tất cả lễ hội ở Hội An đều là một sản phẩm du lịch văn hóa, qua đó góp phần mang đến sự phong phú và chất lượng cho khách tham quan cũng như giúp quảng bá hình ảnh du lịch Hội An hiệu quả hơn” - ông Phùng nói.

Lan tỏa hình ảnh Hội An

Theo một số doanh nghiệp lữ hành, lưu trú tại Đà Nẵng và Hội An, sự kiện “Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam và Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản lần thứ 16 - 2018” với các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc sẽ là cơ hội quảng bá tốt hơn hình ảnh du lịch Hội An không chỉ với dòng khách Nhật Bản mà đến cả thị trường khách quốc tế. Theo ông Đinh Văn Lộc – Giám đốc Công ty Du lịch Việt Đà (Đà Nẵng), dù phần lớn khách ở xa đăng ký tour tham dự lễ hội chỉ mang tính ngẫu nhiên nhưng không phủ nhận sự hấp dẫn của lễ hội. “Một số khách đoàn đến Đà Nẵng khi biết thông tin lễ hội đã đăng ký tour vào Hội An, nên có thể nói lễ hội ở Hội An dù lớn hay nhỏ vẫn có sức hút riêng vì nó diễn ra trong bối cảnh không gian của một di sản văn hóa thế giới” - ông Lộc nhìn nhận.

Năm nay, sự kiện Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam diễn ra chỉ sau vài ngày Công ty du lịch Vietravel tổ chức tour charter - thuê bao nguyên chuyến bay thẳng Đà Nẵng – Sendai (Nhật Bản), trước đó là chuyến bay thẳng từ Đà Nẵng đến Chubu (Nagoya - Nhật Bản) và ngược lại, qua đó cũng đã góp phần quảng bá và thu hút một lượng khách từ đất nước Phù Tang đến với Đà Nẵng, Hội An. Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, dù mục đích chính là tăng cường tình đoàn kết của 2 dân tộc, nhất là giữa Hội An với các thành phố Sakai, Oda, tỉnh Nagasaki nhưng không phủ nhận hiệu quả lan tỏa của lễ hội là rất lớn. Qua 15 lần tổ chức sự kiện cũng đã khẳng định được một thương hiệu để trở thành chất xúc tác lớn hướng đến xây dựng thị trường khách Nhật Bản nói riêng cũng như các thị trường khách khác. “Một hiệu quả không thể phủ nhận qua mỗi kỳ lễ hội là hình ảnh Hội An lan tỏa nhiều hơn, xa hơn đến bạn bè quốc tế vì tại Hội An, lễ hội không đơn giản chỉ là thỏa mãn nhu cầu tâm linh hay văn hóa của người dân mà còn là một sản phẩm du lịch hấp dẫn phục vụ khách. Ở đó người dân và du khách cùng hòa vào lễ hội để tận hưởng và trải nghiệm những cảm xúc chân thật chứ không đơn thuần chỉ là trình diễn” - ông Sơn khẳng định.

Báo Quảng Nam

Bài viết liên quan

Ẩm thực

Địa điểm