Đêm văn hóa CơTu

11/09/2018
Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam vừa cho biết, từ ngày 9/6/2017 (tức Rằm tháng 5 âm lịch) và các đêm rằm tiếp theo, tại phố cổ Hội An sẽ diễn ra “Đêm văn hóa Cơ Tu” nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa của người Cơ Tu đến với khách du lịch.

Theo đó, mỗi đêm rằm, ngoài trình diễn điệu múa “tâng tung da dá” và cồng chiêng, cộng đồng người Cơ Tu cũng sẽ trưng bày, trình diễn nghề sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản miền núi, quà lưu niệm. Đây quả là một thông tin vui không chỉ đối với cộng đồng người dân tộc thiểu số Cơ Tu đang sinh sống ở các huyện miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Nam cũng như ở huyện Hoà Vang, TP. Đà Nẵng mà còn là cơ hội được khám phá nét văn hoá khá độc đáo của dân tộc này của người dân địa phương và du khách.

Cũng như nhiều dân tộc sinh sống trên dãy Trường Sơn, đồng bào Cơ Tu có trang phục rất riêng, đàn ông đóng khố, cởi trần, phụ nữ chỉ buộc một mảnh vải như cái yếm để che ngực, váy ngắn đến đầu gối… Những trang phục mang đậm bản sắc văn hóa người Cơ Tu.

Đặc biệt, vào ngày hội Mừng lúa mới, từ sáng sớm, các cô gái Cơ Tu trong trang phục thổ cẩm dành cho ngày hội thật sặc sỡ, nhanh chóng hòa mình vào điệu “tâng tung da dá” đầy quyến rũ. Đây được coi là một hình ảnh đẹp, một điểm nhấn của lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào Cơ Tu.

Còn nhớ cách đây không lâu, tại Liên hoan văn hóa - thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống Cơ Tu được tổ chức tại TP. Đà Nẵng. Bên cạnh các hoạt động trình diễn múa hát cồng chiêng, các nghệ nhân Cơ Tu còn tham gia chia sẻ kinh nghiệm trong chế tác và biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống; trưng bày ẩm thực, giới thiệu các mặt hàng nông sản như chè dây razéh, rượu kacun, thịt xông khói, bánh sừng trâu… đến với du khách và người dân.

Bên cạnh vũ điệu dâng trời "tâng tung da dá", của các cô gái Cơ Tu đã làm say lòng bao du khách. Những vòng tay, bước chân nhún nhảy, những chiếc váy hoa tươi thắm dịu dàng. “Con gái Cơ Tu múa đẹp lắm”. Lời khen chìm ngập trong chuỗi âm thanh lúc gần lúc xa của dàn cồng chiêng, xen lẫn tiếng gọi của đại ngàn...

Dù chỉ diễn ra trong thời gian khá ngắn, nhưng rất đông du khách và người dân địa phương tìm đến không gian liên hoan, cùng trải nghiệm với các hoạt động văn hóa Cơ Tu, thông qua các trò chơi kéo co, bắn nỏ, đi cà kheo, đổ nước vào chum… đầy thú vị. Đặc biệt là không gian trình diễn nghề dệt thổ cẩm, đan lát truyền thống, cách thức chế biến rượu cần được chính các nghệ nhân thể hiện, tạo dấu ấn rất riêng trong lòng du khách.

Đây còn là dịp để đồng bào Cơ Tu mở rộng giao lưu cộng đồng, quảng bá giá trị văn hoá đặc trưng của dân tộc mình đến với du khách và cũng là dịp để cộng đồng Cơ Tu ở các vùng chung sức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của mình trước nguy cơ mai một, tạo sự kết nối trong phát triển du lịch cộng đồng liên vùng có người Cơ Tu sinh sống.

Hy vọng thông qua “Đêm văn hóa Cơ Tu” được tổ chức vào các đêm rằm ở Hội An lần này, các hoạt động giao lưu văn hóa, trưng bày gian hàng sản phẩm nông sản và trình diễn các làn điệu dân ca, múa “tâng tung da dá” truyền thống Cơ Tu… các nghệ nhân Cơ Tu lại có dịp mang “đặc sản” văn hóa của đồng bào mình đến với người dân và du khách.

Thu Trang

Ẩm thực

Địa điểm