Tháp Khương Mỹ

20/12/2021

Di tích Khương Mỹ thuộc xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, gần Quốc lộ 1A, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 75km về phía Tây - Nam.

 

Bao gồm 3 tháp liên hoàn nằm kề nhau, được xây dựng khoảng đầu thế kỷ X. Tại đây đã phát hiện nhiều tác phẩm điêu khắc (hiện được trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Champa Đà Nẵng) và nhiều chum vại có niên đại khoảng vài trăm năm.

  

 Tháp Khương Mỹ

 

 

Nhóm tháp Khương Mỹ gồm có 3 tháp, xếp một hàng theo trục Bắc - Nam, cửa ra vào ở hướng Đông, là kiểu tháp Chăm-pa truyền thống với mặt bằng gần vuông, mái tháp gồm 3 tầng, tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới, trên cùng có chóp tháp bằng sa thạch.
 
 
Tháp Khương Mỹ
Ba tháp được xếp theo trục Bắc - Nam
 
 
 

Tháp Bắc
Là tháp nhỏ nhất trong nhóm, có một cửa ra vào và 5 cửa giả (1 cửa ở phía Tây, ở tường phía Bắc và Nam mỗi bên có 2 cửa). Tiền sảnh tháp bị sụp đổ một phần. Vòm cuốn trên các cửa uốn hình vòng cung, trang trí hoa văn thảo mộc cách điệu, đầu lá uốn cong xoắn xít, lá xếp thành nhiều tầng, thu nhỏ dần lên trên, tâm của vòm cuốn là một tổ hợp cành lá uốn thành dạng lá đề. Trên mỗi mặt tường có 5 trụ ốp tường, dọc các trụ ốp tường trang trí hoa văn thảo mộc cuộn thành những chữ S nối tiếp nhau, xen kẽ với các mảng tường trang trí hình thoi nối tiếp nhau từ chân đến đỉnh tường.

Tháp Giữa
Lớn hơn tháp Bắc, được bảo tồn tương đối tốt. Cũng có một cửa ra vào và 5 cửa giả như tháp Bắc. Vòm cuốn trên cửa được tách làm 2 tầng, cấu tạo bởi các lớp hoa văn thảo mộc cách điệu, uốn cong ở đầu mút, lá có rãnh sâu, trên đỉnh của mỗi vòm cuốn là một tổ hợp cành lá uốn thành hình lá đề. Phần chân và đỉnh của các trụ đỡ vòm cuốn chạm 2 tầng hoa sen cách điệu. Trên mỗi mặt tường có 5 trụ ốp tường, chạm trổ hoa văn thảo mộc cuộn thành những chữ S nối tiếp nhau.

Tháp Nam
Là tháp lớn nhất trong nhóm, được bảo tồn tương đối tốt, cấu trúc gần như 2 tháp kia, nhưng trên mỗi mặt tường chỉ có 4 trụ ốp tường. Hoa văn trang trí trên các trụ ốp tường và các mảng tường là các dải hoa văn thảo mộc cuộn thành những chữ S nối tiếp nhau, xen kẽ với hoa văn hình thoi. Theo Ph. Stern, tại Khương Mỹ, lần đầu tiên trong kiến trúc Chăm-pa xuất hiện một số motuyp trong nghệ thuật kiến trúc Khmer: kiểu cành lá uốn cong vểnh lên ở đầu mút, lá có rãnh sâu. Các hình thoi nối tiếp nhau được tạo thành bởi đường chéo và các đóa hoa cách điệu. Đó là kiểu hoa văn đặc trưng của nghệ thuật Khmer cuối thế kỷ IX - đầu thế kỷ X.

 

Tháp Khương Mỹ

Hoa văn trang trí tại thân tháp

 

 

 

Các nhà nghiên cứu cho rằng tháp Nam được xây dựng đầu tiên, sau đó là tháp Giữa và cuối cùng là tháp Bắc. Phần lớn các tác phẩm ở Khương Mỹ đang được trưng bày ở Bảo tàng điêu khắc Champa Đà Nẵng. Trong đó có thể kể đến đài thờ ký hiệu 22.8 tìm thấy ở Khương Mỹ năm 1901. Đây là một bệ thờ độc đáo thể hiện 2 cỗ xe ngựa ở 2 mặt, 2 mặt kia là hình hoa sen và rùa. Người điều khiển xe ngựa mặc một chiếc sampot theo phong cách Trà Kiệu, nhưng bộ ria rậm là dấu hiệu bảo lưu từ phong cách Đồng Dương. Hai pho tượng Dvarapala ký hiệu 9.4 và 9.5 có gương mặt dữ tợn, tay phải vung kiếm, đứng dạng chân, đầu đội mũ miện có đính 5 đóa hoa bảo lưu từ phong cách Đồng Dương.

 

Tháp Khương Mỹ Một số tác phẩm điêu khắc bằng chất liệu đất nung gắn vào thân tháp

 

Bức phù điêu ký hiệu 17.6 thể hiện thần Krisna nâng núi Govahana, gương mặt của thần còn sót lại đôi nét của phong cách Đồng Dương, y phục là loại sampot ngắn tới đầu gối, thắt lưng vải to bản với một dải buông xuống phía trước chạm đất giống như một chiếc khố dài, đó là kiểu y phục chưa xuất hiện ở giai đoạn Đồng Dương. Pho tượng thần Vishnu 4 tay (được bảo quản tại Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh), thể hiện thần Vishnu có khuôn mặt hiền từ hơn các pho tượng thuộc phong cách Đồng Dương mặc dù vẫn còn đôi môi dày, ria mép rậm. Đầu đội Kirita-mukuta, y phục gần giống như thần Krisna nâng núi Govahana...

 

Tháp Khương MỹBên trong tháp trống trơn, chỉ có rêu xanh phủ đầy ở những nơi mà ánh sáng có thể lọt vào

 

Được sự cho phép của Bộ Văn hóa  - Thông tin, đầu tháng 7/2007, Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Nam và Khoa Sử trường đại học Khoa học xã hôi & nhân văn quốc gia Hà Nội tiến hành khai quật phát lộ chân tháp Khương Mỹ để chuẩn bị cho việc tu bổ di tích. Tại Tháp Nam, các nhà khảo cổ tiếp tục phát hiện 17 khối sa thạch có trang trí ở chân tuờng phía Nam và phía Tây của tháp. Đây là những khối đá có công năng bao giữ phần chân đế bằng gạch của tháp, đồng thời cũng để trang trí cho tháp; đáng chú ý là các khối đá nầy không xếp liền kề nhau mà được xen kẽ với các mảng chạm khắc bằng gạch. Trên các khối đá nầy thể hiện một số cảnh sinh hoạt của loài khỉ. Những tượng khỉ nầy dường như có liên quan đến trường ca Ramayana, một pho sử thi nổi tiếng của Ấn Độ.

 Tháp Khương Mỹ Hơn 1.000 năm, trải qua bao cuộc chiến tranh, bao cuộc xâm lăng, bao trận mưa bão, diệt vong

 

 

 

Kết thúc đợt khai quật 2007 - 2008, đã tìm thấy 124 hiện vật, gồm có các loại phù điêu, tượng người, tượng động vật như rắn Naga, khỉ, ngựa, voi; các loại trang trí chân tường, trang trí góc tháp, chóp tháp... Do tìm thấy nhiều tác phẩm mang tính chất Vishnu giáo nên một số nhà nghiên cứu cho rằng Khương Mỹ là một khu đền thờ thần Vishnu. Các tác phẩm điêu khắc ở Khương Mỹ đã thể hiện được sự chuyển tiếp từ những nét mạnh mẽ, dữ dội của phong cách Đồng Dương sang những nét nhẹ nhàng, trang nhã của phong cách Trà Kiệu, do đó các nhà nghiên cứu đã xếp chúng vào phong cách riêng: phong cách Khương Mỹ - đầu thế kỷ X..

Ẩm thực

Địa điểm

Twitter