Phát triển du lịch: Chưa thể lan tỏa về phía nam

23/01/2022
Nhiều địa phương trong tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái nhưng chưa thể thu hút du khách. Ảnh: Q.T
Nhiều địa phương trong tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái nhưng chưa thể thu hút du khách. Ảnh: Q.T

Thúc đẩy du lịch phía nam

Trong năm 2018, có hơn 6,5 triệu lượt khách đến Quảng Nam nhưng các địa phương phía nam của tỉnh chỉ chiếm khoảng 8% trong số này. Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định: “Chúng ta đã nói nhiều, triển khai nhiều giải pháp nhưng phải thừa nhận thực tế là du lịch của khu vực phía nam của tỉnh vẫn rất sơ sài và chưa tạo được sức bật dù có rất nhiều tiềm năng”. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Mau - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành: “Hiện nay du khách đến địa phương cũng không biết đi đâu, loanh quanh xuống Tam Hải nhưng cũng chưa có gì gọi là đặc sắc”.

Để khắc phục tình trạng nhiều di sản, địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch ở phía nam tiếp tục bị bỏ ngỏ, tại cuộc họp vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đã thống nhất giao UBND TP.Tam Kỳ nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm giao cho tư nhân quản lý và khai thác địa đạo Kỳ Anh. Ông Trần Văn Tân cho biết thêm: “Sắp tới sẽ nghiên cứu rút Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh (đang đặt ở Hội An) về Tam Kỳ để làm đầu mối giúp các địa phương phía nam có thêm hỗ trợ phát triển du lịch”. Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, nếu làm bài bản thì “cụm” 4 địa phương Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh - Tiên Phước có thể thu hút du khách lưu trú ít nhất 1 đêm.

Nâng chất khu vực phía bắc

Cũng liên quan đến vấn đề liên kết, ông Nguyễn Thanh Hồng nói: “Các địa phương trong tỉnh phải chủ động liên kết với nhau để thúc đẩy du lịch phát triển theo từng trục như Hội An - Điện Bàn - Duy Xuyên; Nam Giang - Tây Giang - Đông Giang hay Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh - Tiên Phước và có trưởng nhóm luân phiên để làm đầu mối thúc đẩy quảng bá, thu hút du lịch”. Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn thông tin, hiện nay có tới 14, 15 doanh nghiệp muốn đầu tư vào du lịch sinh thái tại Điện Bàn nhưng chỉ có 1 doanh nghiệp được triển khai còn lại vướng thủ tục kéo dài nên rất khó cho doanh nghiệp. “Hiện nay, ngoài Triêm Tây thì du lịch sinh thái tại khu vực Gò Nổi (nhất là làng Cẩm Phú) đang có bước chuyển tốt, có ngày thu hút được hơn 100 khách nên sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức đoàn đi Tây Bắc khảo sát, học hỏi cách làm du lịch cộng đồng nào phù hợp áp dụng vào địa phương” - ông Hà nói.

Với lượng khách đông đảo đến Hội An hằng năm, ngoài mục tiêu giữ vững tăng trưởng lượt khách thì việc nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch để có giá trị gia tăng mới cần sớm được thực hiện. Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nói: “Năm 2018, doanh thu bán vé tham quan ở hai điểm du lịch rừng dừa Bảy Mẫu (Cẩm Thanh) và làng gốm Thanh Hà (Hội An) đạt trên 18 tỷ đồng/điểm nhưng cũng chỉ mới chiếm khoảng 30% doanh thu, còn lại khoảng 70% doanh nghiệp, cộng đồng được hưởng lợi”. Đề xuất phương án tăng giá vé tham quan khu vực phố cổ cũng nhận được sự đồng thuận của nhiều đại biểu tham gia cuộc họp bởi giá vé hiện tại còn tương đối thấp so với nhiều điểm đến, di sản khác ở các địa phương lân cận. Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết: “Việc tăng vé tham quan khu vực phố cổ là cần thiết và chỉ như vậy mới điều tiết được dòng khách, góp phần bảo tồn di sản. Vấn đề là việc triển khai phải có một lộ trình rõ ràng để các đơn vị lữ hành điều chỉnh đảm bảo dòng khách ổn định”.

QUỐC TUẤN

Nguồn: Báo Quảng Nam

Ẩm thực

Địa điểm

Twitter