Khi tái lập tỉnh (1997), du lịch Quảng Nam gần như không có gì. Nhưng chỉ vài năm sau đó, ngành “kinh tế không khói” của Quảng Nam đã có những bước tiến thần kỳ. Nhờ vào tiềm năng du lịch - văn hóa và những chính sách “mở cửa” để khai thác hiệu quả các giá trị này, Quảng Nam đã ghi danh vào bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế; du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp đáng kể vào GRDP của tỉnh.
Bài 1: KHAI THÁC LỢI THẾ DI SẢN
Ngay sau ngày tái lập tỉnh, giữa bộn bề lo toan, tỉnh Quảng Nam vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận danh hiệu Di sản văn hóa thế giới đối với Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Năm 1999, hai di tích này đã được UNESCO vinh danh, và gần như lập tức, bắt đầu “bùng nổ” khai thác du lịch.
Bùng nổ từ 2 di sản thế giới
Hội An từ một “thị xã dưỡng già” với dáng vẻ trầm ẩn và những con đường nhỏ hẹp chỉ có tiếng gió thổi hun hút qua những mái rêu nhà cổ sập sệ, như bừng tỉnh. Người Hội An linh hoạt tìm đủ mọi cách sáng tạo ra các kiểu làm du lịch dựa vào lợi thế di sản. Lập tức sau đó, màu rêu sáng bừng phố cổ, tiếng gió thổi bặt tăm trong tiếng xôn xao của khách bộ hành. Năm 1999, Hội An trở thành địa phương đầu tiên ở nước ta thực hiện mô hình phát triển kinh tế du lịch ở di sản phố cổ theo một quy chế riêng biệt về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại. Quy chế này liên tục được sửa đổi cho phù hợp với thực tế phát triển của cả bảo tồn lẫn du lịch tại phố cổ. Hội An đã biết cách khai thác giá trị của một di sản “sống” với sự “xã hội hóa” mang tính thực chất huy động cả xã hội, đặc biệt là người dân làm du lịch thu lợi ích kinh tế. Mỹ Sơn lại có thế mạnh của một di sản tĩnh với các giá trị khoa học và tâm linh đầy nét độc đáo, khám phá.
Quảng Nam cũng xây dựng một chiến lược phát triển du lịch dựa vào “chiếc đinh” là hai di sản này để treo lên “bức tranh” du lịch địa phương. Các lễ hội văn hóa - du lịch đặc trưng được tỉnh tổ chức trên “nền tảng” hai di sản nhằm phát huy tối đa lợi thế có một không hai của một tỉnh có đến 2 di sản thế giới - sau đó có thêm khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm - với các giá trị vừa độc đáo, vừa đa dạng, đã rất thu hút du khách, dần hình thành các sản phẩm du lịch có “thương hiệu mạnh” được biết đến trên trường quốc tế. Đó là lễ hội “Hành trình di sản”, giao lưu văn hóa Việt - Nhật, đêm phố cổ Hội An, đêm Mỹ Sơn huyền ảo... Đặc biệt, Hội An thu hút mỗi năm hàng triệu lượt khách đa quốc tịch tham quan, lưu trú, mua sắm, tham gia lễ hội văn hóa du lịch suốt tháng quanh năm, và ghi tên mình trên bản đồ du lịch thế giới.
Cũng nên nhắc lại, vào thời điểm đầu thế kỷ 21, sáng kiến về những lễ hội của Hội An và của tỉnh Quảng Nam là rất mới lạ, ở nước ta khi đó lễ hội còn chưa “nở rộ”. Chủ tịch UBND tỉnh lúc đó, ông Nguyễn Xuân Phúc, nhiều lần khẳng định: “Lễ hội không phải tổ chức cho oai đâu, mà chính đó là cơ hội quảng bá du lịch, thu hút đầu tư”. Quan trọng hơn, chính quyền và người dân hai địa phương đã ngày càng “biết cách” khai thác lợi thế di sản để đáp ứng đời sống xã hội hiện tại. Hội An năm 1999 đón vỏn vẹn 160.000 khách nay đón đến vài triệu khách mỗi năm. Nguồn thu nhập xã hội từ du lịch - dịch vụ của Hội An cũng tăng trưởng liên tục, chiếm tỷ trọng 65% GRDP của thành phố. Còn Mỹ Sơn cũng tương tự, thu nhập từ du lịch ở Mỹ Sơn mỗi năm chiếm đến khoảng 30% tổng thu ngân sách của huyện Duy Xuyên. Giá trị văn hóa của các di sản đã thực sự được biến thành giá trị kinh tế, phục vụ thiết thực cho chính công tác bảo tồn các di sản và góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Phát triển du lịch bền vững
Nắm bắt xu thế chung, ngay từ rất sớm, tỉnh Quảng Nam đã định hướng phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững, dựa trên các nền tảng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, sinh quyển, lan tỏa, mở rộng ra các địa bàn, các loại hình du lịch cộng đồng. Với tư duy và giải pháp mang tính “mở”, Quảng Nam đã hình thành một thương hiệu du lịch nổi bật, một điểm đến hút khách, tạo nhiều giá trị kinh tế cho cả cộng đồng hưởng lợi. Trong quá trình kết hợp di sản với phát triển du lịch, ngoài việc từng bước giải quyết những vấn đề chính như bảo tồn, phát huy giá trị của di sản, sự cam kết tham gia của cộng đồng, tính bền vững về môi trường, ngành du lịch còn chú trọng đến phát triển các tuyến và sản phẩm du lịch mới. Đó là triển khai nhiều loại hình du lịch khác như du lịch sông nước Cẩm Thanh, du lịch sông nước Trà Nhiêu, du lịch sông Thu Bồn, khai thác các điểm du lịch khu vực miền núi phía tây, đầu tư vào các làng nghề truyền thống, lễ hội trong tỉnh…
Hạ tầng du lịch Quảng Nam từ chỗ không có gì nay đã đủ sức “kết nối” các tuyến du lịch chính. Một ý tưởng táo bạo của ông Nguyễn Xuân Phúc - lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh - cũng chứng minh tầm nhìn và sự quyết đoán của một nhà lãnh đạo đi trước thời cuộc, và giúp mở ra loại hình du lịch biển khá sớm sủa nhưng rất thành công cho Quảng Nam. Đó là quy hoạch xây dựng vệt đất ven biển hơn 100 cây số từ giáp Đà Nẵng qua Điện Bàn, đô thị cổ Hội An đến vùng cát phía đông các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Tam Kỳ và vùng vịnh Kỳ Hà - Chu Lai thành một vùng du lịch - đô thị sinh thái. Thời điểm năm 2001, nhiều ý kiến cho rằng đó là một ý tưởng xa vời, phi thực tế. Nhưng tỉnh Quảng Nam đã đầy quyết tâm triển khai kế hoạch này. Lúc đó, khắp nơi người ta xây dựng các khu đô thị mới để khai thác quỹ đất trả lại vốn đầu tư.
Nhưng ông Phúc cho rằng: “Dải bờ biển Quảng Nam với những tiềm năng du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng là vốn quý không dễ gì có được, cần phải khai thác đúng hướng. Đó là kêu gọi đầu tư chuỗi du lịch và đô thị sinh thái”. Cùng với xúc tiến đầu tư tuyến đường du lịch ven biển Đà Nẵng - Hội An (khởi công năm 2001, hoàn thành năm 2007), kêu gọi đầu tư vào du lịch trên dải ven biển này, Quảng Nam cũng kiên quyết giữ yếu tố sinh thái bằng các quy định tương đối táo bạo lúc đó, như yêu cầu các nhà đầu tư phải trồng vệt cây xanh rộng đến 100m, tỷ lệ xây dựng không được quá 30%... Khi các nhà đầu tư trong nước và quốc tế ồ ạt đăng ký vào khu vực này, bên cạnh những chính sách “trải thảm đỏ”, Quảng Nam đã cương quyết thu hồi giấy phép những nhà đầu tư “xí phần”. Để bây giờ, hàng loạt khu nghỉ dưỡng, khách sạn sang trọng bậc nhất đã biến dải ven biển này trở thành một trong những “thiên đường nghỉ dưỡng” ở nước ta, thu hút lượng lớn du khách quốc tế.
Bài 2: THẾ MẠNH DU LỊCH CỘNG ĐỒNG
Cùng với việc khai thác lợi thế văn hóa, biến giá trị di sản thành giá trị kinh tế, Hội An đã tiên phong trong việc phát triển các mô hình du lịch mới mang đậm tính cộng đồng, nhằm khai thác tiềm năng về làng quê, sinh thái, đồng thời chia sẻ lợi ích cho cộng đồng người dân vùng ven. Nắm bắt xu hướng ưa thích du lịch sinh thái, nhân văn, người dân xã Cẩm Thanh - vùng đệm khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - đã bắt tay làm du lịch từ nhiều năm qua, đem lại đời sống mới cho vùng quê này.
Hiện nay, du lịch cộng đồng ở Cẩm Thanh rất nhộn nhịp, với nhiều hoạt động dịch vụ cho du khách tham quan như tour một ngày làm nông dân, tour xe đạp, tour một ngày làm ngư dân... Du khách đến đây có thể cùng ăn, ở, sinh hoạt, tham gia văn nghệ với người dân trong làng: hát hò khoan đối đáp, hát trạo, du thuyền câu cá trong rừng dừa nước và còn được người dân hướng dẫn làm các sản phẩm nghề truyền thống. Hay như làng Trà Quế (xã Cẩm Hà) là nơi tập trung 220 hộ dân chuyên canh rau với chừng 40ha đất canh tác, đã nổi danh từ lâu với các loại rau thơm như xà lách, diếp cá, răm, húng, é, quế, hành, ngò... Khi nhu cầu khách tham quan làng rau đã trở thành thực tế, người dân Trà Quế đã biết kết hợp với các công ty lữ hành tổ chức tour “Một ngày làm cư dân phố cổ với nghề trồng rau” thu hút khá đông khách nước ngoài tham gia…
Hội An cũng phát triển mô hình nhà lưu trú trong dân (homestay) rất sớm. Từ năm 2000, mô hình lưu trú trong nhà cổ được Hội An thử nghiệm khá thành công với 3 nhà, gồm 9 phòng lưu trú. Năm 2006, mô hình đầu tiên đi vào hoạt động là homestay Vườn Trầu (khối Thanh Nam, Cẩm Châu) khá thành công, và mô hình này nhanh chóng lan tỏa. Đến nay trên địa bàn thành phố đã có hơn 150 homestay với hơn 500 phòng. Loại hình du lịch cộng đồng - homestay tại Hội An đang được nhiều du khách quan tâm lựa chọn vì sự mới mẻ, dân dã. Chỉ trong một khoảng thời gian du lịch ngắn, du khách vừa có cơ hội thưởng ngoạn vẻ đẹp của di sản văn hóa thế giới, vừa có thể hiểu thêm về nếp ăn ở, sinh hoạt, văn hóa của cư dân Hội An, đi chợ, nấu ăn, đi làm nông (cuốc đất, trồng rau), đi bắt cá… và cùng thưởng thức các món ăn truyền thống là một phần trải nghiệm thú vị với homestay ở Hội An.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết: “Chủ trương nhất quán của thành phố là thúc đầy phát triển du lịch cộng đồng theo hướng văn hóa - sinh thái, phát huy nguồn lực, tiềm năng trong dân để hình thành sản phẩm dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu tham quan lưu trú, trải nghiệm cuộc sống tìm hiểu văn hóa truyền thống Hội An của khách du lịch, qua đó góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân”.
Bài 3: BIẾN NGHỊ QUYẾT THÀNH HIỆN THỰC
Việc cụ thể hóa nhiều vấn đề về du lịch trong các nghị quyết của tỉnh đã chỉ ra hạn chế đồng thời có giải pháp chiến lược trong từng giai đoạn để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Cụ thể hóa từ nghị quyết
Những năm qua dù có tốc độ tăng trưởng cao nhưng so với tiềm năng, lợi thế vốn có, du lịch Quảng Nam vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng và tồn tại một số hạn chế nhất định. Chủ yếu do công tác xúc tiến, thu hút đầu tư còn yếu; giải phóng mặt bằng các dự án du lịch còn chậm; quản lý nhà nước về du lịch còn nhiều bất cập… Trong Nghị quyết 08 về phát triển du lịch Tỉnh ủy vừa mới ban hành cuối năm 2016 khẳng định, nguyên nhân của những hạn chế trên xuất phát từ nhận thức; không thấy được cơ hội, tiềm năng, lợi thế phát triển đột phá của ngành du lịch; có giai đoạn thiếu sự tập trung chỉ đạo quyết liệt; nguồn lực dành cho đầu tư phát triển du lịch chưa tương xứng; sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành địa phương trong công tác quản lý và khai thác tiềm năng du lịch thiếu đồng bộ và hiệu quả; doanh nghiệp kinh doanh du lịch phần lớn có quy mô vừa và nhỏ; trình độ năng lực, kinh nghiệm quản lý thiếu tính chuyên nghiệp.
Từ khi tái lập tỉnh, căn cứ vào các lợi thế của mình Quảng Nam đã xác định du lịch là một hướng cần tập trung chỉ đạo. Điều đó đã được cụ thể hóa với việc ban hành Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy (2007), thể hiện bước phát triển tương đối toàn diện với mong muốn đẩy mạnh du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng. Đặc biệt, từ sau khi có Hội nghị du lịch toàn quốc của Chính phủ, việc tiến hành tổng kết, đánh giá thực hiện Nghị quyết 06 đã được Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo mạnh mẽ. Nghị quyết 08 được Tỉnh ủy ban hành cuối tháng 12.2016 không chỉ thực hiện chỉ đạo của Chính phủ mà còn thể hiện chiến lược, sự quyết tâm trong phát triển du lịch, tập trung đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tạo ra sự đột phá mới.
Theo Nghị quyết 08, để đưa Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, bên cạnh mở rộng không gian du lịch về phía nam và phía tây, tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương… cần thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như: nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của ngành du lịch, coi nhiệm vụ phát triển du lịch là bước đột phá để Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng và xây dựng môi trường du lịch lành mạnh; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến phù hợp với từng thị trường…
Nhiều giải pháp sát sườn
“Để hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết 08, Quảng Nam cần thực hiện 3 vấn đề. Thứ nhất, làm lại quy hoạch du lịch theo định hướng mới. Thứ hai, tăng cường đầu tư hạ tầng để thúc đẩy phát triển du lịch. Thứ ba, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch bằng con đường đào tạo, đào tạo lại đội ngũ quản lý và người lao động trong ngành du lịch” - ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL nói. Theo đó, để triển khai 3 nội dung trên ngoài tính toán lại ngành du lịch một cách đồng bộ, chỉ đạo quyết liệt hơn, tranh thủ mọi cơ hội để tạo ra sự phát triển thì phải rà soát lại kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch (kể cả trùng tu, tôn tạo di tích, thắng cảnh, giữ gìn môi trường…). Tiếp đến, thu hút đầu tư vào du lịch; phát triển du lịch cộng đồng. Ngoài ra, phải nâng cao nhận thức về du lịch, xem đây là một ngành kinh tế tổng hợp, có thị trường, có đầu tư và lợi nhuận. Đồng thời cần làm rõ, du lịch là một cơ hội phát triển của tỉnh và cộng đồng.
Tại một số nơi như Mỹ Sơn, đầu tư hạ tầng đã trở thành chiến lược trọng tâm của khu di sản nhằm thu hút khách. Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn khẳng định, để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch thì đầu tư hạ tầng là một trong những biện pháp quan trọng, hữu hiệu. Tại Mỹ Sơn, việc đầu tư hạ tầng được diễn ra đồng bộ với xây dựng sản phẩm, sao cho mỗi công trình, mỗi đề án đều gắn với sự ra đời của một sản phẩm du lịch có chất lượng. “Trong đầu tư hạ tầng, đầu tư giao thông sẽ tạo ra rất nhiều lợi ích. Ở Mỹ Sơn hạ tầng giao thông không chỉ cải tạo hiện trạng cũ đã xuống cấp như đường nội bộ, nhà chờ, bến bãi mà còn tạo thuận lợi để Ban quản lý triển khai loại hình xe điện vào phục vụ. Vừa tạo ra sản phẩm mới đồng thời phát triển loại hình du lịch thân thiện, hướng đến bảo tồn di sản” - ông Hộ cho hay.
Tương tự, công tác đào tạo, đào tạo lại cũng trở thành mối quan tâm thường xuyên của hầu hết doanh nghiệp du lịch, nhất là khi nguồn lực lao động chưa đáp ứng được yêu cầu đơn vị. Theo ông Phan Xuân Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Emic Hospitality (Hội An), thông thường khi nhận nhân viên mới vào đơn vị đều phải đào tạo lại vì quá trình học ở trường thường không sát thực tế. Ngoài đào tạo ban đầu, việc đào tạo theo định kỳ cũng được doanh nghiệp chú trọng. “Thật ra, trong hệ thống khách sạn nhà hàng, khách hàng cũng không quá đòi hỏi về chuyên môn kỹ năng, họ chỉ quan tâm mình hiếu khách hay không, mình có yêu nghề hay không và khách sẽ cảm nhận điều đó. Vì vậy, quá trình đào tạo lại không chỉ giúp hoàn thiện kỹ năng, chuyên môn của người lao động mà còn giúp nâng cao nhận thức, hiểu được ngành du lịch và yêu nghề” - ông Thanh chia sẻ.
Có thể thấy, phát triển du lịch không chỉ xây dựng sản phẩm điểm đến, mà còn là sự đầu tư tổng hợp, đa ngành để du lịch thật sự tạo động lực cho kinh tế, xã hội phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Như đánh giá của ông Đinh Hài: “Quảng Nam không chỉ có tài nguyên về di sản văn hóa, thiên nhiên mà còn có sự quyết tâm và đồng lòng của các cấp lãnh đạo nên mục tiêu đưa du lịch Quảng Nam tăng tốc phát triển chắc chắn sẽ thành hiện thực trong những năm tới”.
Nguồn: Báo Quảng Nam