Phát triển du lịch nội vùng Quảng Nam

22/01/2022

Quảng Nam có được những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nội vùng mà ít nơi đâu có được. Trong phạm vi bài viết này, dựa vào những trải nghiệm cá nhân đã hoạt động trong ngành du lịch một thời gian dài, người viết xin mạn phép đưa ra một ý tưởng, xem như một gợi ý nhỏ để góp phần phát triển du lịch nội vùng Quảng Nam.


Thi thả diều tại biển Tam Thanh (TP.Tam Kỳ). Ảnh: T.N.N.

Du lịch phát triển tại Quảng Nam đã gần 30 năm. Sau những bước đi chập chững khởi đầu, Hội An đã tạo được một thương hiệu du lịch có tiếng trên toàn cầu, du khách đổ về đây ngày một đông. Từ đây, đã tạo được tuyến du lịch liên kết với Mỹ Sơn, hình thành một mô hình du lịch nội vùng sơ khai.

Tuy nhiên, trước đây vì nhiều lý do như đường sá chưa thuận tiện, hạ tầng cơ sở du lịch nhiều nơi chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, nên những chương trình này không thể mở rộng ra trên toàn tỉnh. Và trên hết vẫn do tính cách cục bộ của những nhà làm du lịch không sẵn sàng chia sẻ thị phần, vì vậy chưa khai thác hết tiềm năng du lịch hiện có.

Quảng Nam có được những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nội vùng mà ít nơi đâu có được. Địa thế Quảng Nam trải dài trên một bình diện rộng với các hình thái địa lý khác nhau, từ khu vực biển đảo cho đến các huyện trung du và miền núi.

Chiều sâu về lịch sử, văn hóa, phong cảnh và nếp sống của người dân tại các địa phương có khả năng tạo được những ấn tượng mạnh, gây thú vị không ít cho những du khách trung lưu, thích khám phá, tìm hiểu văn hóa bản địa. Bên cạnh đó, Hội An và Mỹ Sơn là hai di sản văn hóa thế giới được nhiều người biết đến, cũng là bàn đạp để phát triển những chương trình du lịch nội vùng Quảng Nam.


Nghệ thuật sắp đặt tại làng chài Tam Thanh. Ảnh: T.N.N.

Với hạ tầng cơ sở hiện có ở Hội An, có thể xem đây là điểm mốc để khởi động một chương trình “Khám phá Quảng Nam” trong vòng 3 đêm, 4 ngày. Ngày đêm đầu tiên, du khách ở tại Hội An tham quan khu phố cổ, các làng nghề truyền thống như làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, phong cảnh đồng quê, và các địa điểm vui chơi, giải trí tại Hội An. Ban đêm, du khách có thể dạo phố, may trang phục và tham gia các chương trình văn hóa bản địa được tổ chức tại đây.

Sáng ngày thứ hai, từ Hội An du khách được hướng dẫn lên Mỹ Sơn, tham quan khu đền tháp và bảo tàng Chăm. Tại đây, du khách có thể tìm hiểu về văn hóa Chăm từ thực tế, từ các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống Chăm, cũng như tư liệu và các hiện vật vẫn còn được lưu giữ.

Nghỉ ngơi và ăn trưa tại Mỹ Sơn với các món đặc sản của địa phương mang sắc thái giao thoa ẩm thực Việt - Chăm. Tiếp tục cuộc hành trình, từ Mỹ Sơn đi băng qua Quế Sơn để lên Tiên Phước. Phong cảnh trên đoạn đường nội tỉnh này rất đẹp, trên đường đi có thể dừng xe ở vài nơi để du khách có thể nghỉ ngơi, và săn ảnh.

Đến Tiên Phước, sau khi nhận phòng khách sạn, du khách có thể viếng thăm nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, tham quan các ngôi nhà cổ nổi tiếng ở Lộc Yên, hoặc phong cảnh thiên nhiên như bãi đá Lò Thung hay thác Ồ Ồ hùng vĩ.

Buổi chiều tối, du khách được thưởng thức nhiều món ẩm thực đặc sản ở Tiên Phước, có thể tổ chức ngoài trời, để kích thích thêm cảm giác hấp dẫn giữa rừng núi. Hy vọng sự lạ lẫm về khẩu vị, cũng như không gian hoang dã, sẽ đem lại cho du khách sự ngạc nhiên đáng nhớ.

Ban đêm, du khách dạo phố để ngắm quang cảnh sinh hoạt của một thị trấn miền trung du, đồng thời mua sắm các loại nông lâm thổ sản đặc biệt như quế, trầm giác, hồ tiêu, lòn bon, cam giấy… Ngoài ra, ở đây vào mùa hoa sưa nở cũng tạo nên một vẻ đẹp khác thường, một ấn tượng tuyệt mỹ trên con đường vào trung tâm huyện. Việc tổ chức một lễ hội vào mùa hoa sưa nở cũng rất khả thi để cuốn hút du khách, một khi nền công nghiệp du lịch phục hồi trở lại.

Sáng ngày thứ ba, từ Tiên Phước du khách sẽ về Phú Ninh. Khách được tham gia các trò chơi giải trí, tham quan hồ Phú Ninh bằng thuyền, thưởng thức không khí trong lành và phong cảnh thiên nhiên sinh động bên trong lòng hồ. Có thể tổ chức để du khách ăn trưa ở không gian ẩm thực tại đây, hoặc về Tam Kỳ để ăn uống và nghỉ trưa, trước khi tham quan tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (phường An Phú), địa đạo Kỳ Anh (Tam Thăng).

Sau đó, du khách sẽ được đưa về nhận phòng khách sạn tại bãi biển Tam Thanh, đồng thời tham quan làng bích họa Tam Thanh, làng du lịch cộng đồng Tam Thanh, tắm biển và ngắm cảnh mặt trời lặn trên biển, thư giãn sau một chuyến tham quan đường dài, đồng thời ăn tối với những món hải sản tươi sống được đánh bắt ngay tại chỗ.

Sáng ngày thứ tư, du khách có thể dậy sớm để ngắm phong cảnh biển buổi sáng, điểm tâm và tham gia vài trò chơi trên biển. Sau giờ ăn trưa, du khách được đưa về lại Hội An, chấm dứt một hành trình du lịch khám phá nội vùng xứ Quảng, chuẩn bị hành trang để bắt đầu một hành trình mới đến những địa điểm khác.

Như đã nói ở trên, trước đây do tình hình đường sá không thuận tiện, và hạ tầng cơ sở du lịch còn yếu để có thể tạo nên một hành trình du lịch nội vùng hoàn chỉnh. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, đường sá đã thông suốt, nối liền các điểm đến trong hành trình này. Mặt khác, hạ tầng cơ sở phục vụ lưu trú của các điểm đến cũng đã được đầu tư căn bản, nên việc khai thác tuyến du lịch này chắc chắn sẽ được thuận lợi hơn.

Được trải nghiệm sự khác biệt về phong thổ, và những tập tục sinh sống khác nhau của cư dân từ đồng bằng đến vùng trung du trong một thời gian ngắn, chắc chắn sẽ mang lại nhiều ấn tượng mạnh cho những du khách thích khám phá và tìm hiểu văn hóa địa phương. Đồng thời, qua chương trình du lịch này, có thể kéo dài thêm thời gian du khách lưu trú tại Quảng Nam, giúp tăng thu nhập và phát triển nền công nghiệp du lịch tại những địa phương trong tỉnh.

https://baoquangnam.vn/du-lich/phat-trien-du-lich-noi-vung-quang-nam-119709.html

Ẩm thực

Địa điểm