Chắp cánh cho dòng sông di sản

04/01/2022

Quảng Nam định hướng quy hoạch hai bên Thu Bồn, dòng sông nối liền 2 di sản văn hóa thế giới Hội An - Mỹ Sơn, đáp ứng các điều kiện khu du lịch quốc gia

HĐND tỉnh Quảng Nam vừa thông qua nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng khu vực hai bên sông Thu Bồn (đoạn từ cầu Giao Thủy đến Cửa Đại) giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045. Đây là bước đi quan trọng nhằm xác định nhiệm vụ ngắn và dài hạn để phát huy những tiềm năng, lợi thế của sông Thu Bồn - dòng sông được xem là biểu tượng của Quảng Nam.

Dòng sông di sản

Sông Thu Bồn có diện tích lưu vực rộng 10.350 km2, là một trong những sông nội địa có lưu vực lớn nhất Việt Nam. Sông bắt nguồn từ khối núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) và đổ ra biển tại Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam). Trước khi hòa vào biển, một nhánh Thu Bồn chảy vào sông Vĩnh Điện để đổ nước vào sông Hàn (TP Đà Nẵng), một phần nước chảy vào sông Trường Giang để đổ ra vịnh An Hòa (huyện Núi Thành). Sông Thu Bồn cùng với sông Vu Gia hợp lưu tại Đại Lộc tạo thành hệ thống sông lớn có vai trò rất quan trọng đối với đời sống và tâm hồn con người xứ Quảng.

Ngày thường, dòng sông Thu Bồn khá hiền hòa và đằm thắm. Dù vậy, nhịp sống trên sông không kém phần sôi động. Sông cung cấp nguồn lợi thủy sản đa dạng và phong phú cho người dân xứ Quảng, là nguồn sống của nhiều gia đình ngư dân suốt chiều dọc của dòng chảy. Mùa lũ, Thu Bồn không đến mức quá hung dữ. Người nông dân thường trông chờ những dòng nước lớn từ thượng nguồn đổ về, mang theo lượng phù sa lớn giúp cây cối, hoa màu ở các triền bãi hai bên sông được tốt tươi.

Sông Thu Bồn đoạn từ cầu Cửa Đại đến cầu Giao Thủy thuộc địa phận các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, thị xã Điện Bàn và TP Hội An - là vùng có vị trí, điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi, nền văn hóa đa dạng, phong phú. Thu Bồn chính là con sông nối liền 2 Di sản Văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn. Từ Cửa Đại đến Giao Thủy là khu vực chứa đựng những giá trị văn hóa đặc sắc, làm nên nét đặc trưng như các di tích lịch sử văn hóa Chăm Pa (khu đền tháp Mỹ Sơn, kinh đô Trà Kiệu), lăng mộ Bà Thứ Phi và các tướng Tây Sơn. Đây cũng là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời. Trải qua bao thăng trầm, nhiều làng nghề nơi đây vẫn trường tồn với thời gian như là chứng nhân của lịch sử.

Khu vực hạ lưu sông Thu Bồn nằm trong vùng đệm của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm, với hệ sinh vật đa dạng phong phú đã tạo nên những vùng cảnh quan đa dạng, thuận lợi trong việc khai thác, phát triển du lịch. Hiếm có dòng sông nào trên thế giới vắt ngang qua 2 di sản của nhân loại và trở thành một phần quan trọng của khu dự trữ sinh quyển thế giới.


Các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam khảo sát sông Thu Bồn

Định hướng trở thành khu du lịch quốc gia

Với những giá trị về mặt di sản văn hóa, tự nhiên, con người..., trong thời qua, hoạt động đầu tư, xây dựng trong các lĩnh vực như dân cư đô thị, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao... ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn khá sôi động và dự báo sẽ không ngừng phát triển trong thời gian tới.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, tổng quy mô lập quy hoạch hai bên sông Thu Bồn đoạn từ cầu Giao Thủy đến Cửa Đại khoảng 9.516 ha. Trong đó, diện tích đất hai bên và cồn bãi 6.945 ha, diện tích mặt nước 2.571 ha. Mục tiêu của việc lập quy hoạch nhằm phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa và lịch sử, xây dựng khu vực hai bên bờ sông và các cồn bãi trên sông Thu Bồn trở thành một trục cảnh quan quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam; giúp chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỉ trọng lao động nông nghiệp, tăng tỉ trọng lao động thương mại dịch vụ và các ngành nghề phi nông nghiệp khác; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân. Quảng Nam muốn xây dựng khu vực ven sông Thu Bồn đáp ứng các điều kiện khu du lịch quốc gia.


Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trong một chuyến thị sát thực tế trên sông Thu Bồn

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết với một tầm nhìn mới là phát triển nhanh và bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, trong nhiệm kỳ này, tỉnh Quảng Nam sẽ quyết tâm tổ chức phát triển lại các dòng sông khu vực vùng Đông của tỉnh. Từ kinh nghiệm phát triển vùng Đông, địa phương sẽ rút ra kinh nghiệm để có định hướng quản lý toàn bộ lưu vực sông trên địa bàn tỉnh. "Các sông lớn trên địa bàn tỉnh như Thu Bồn, Trường Giang, Cổ Cò, Vĩnh Điện, Tam Kỳ, Bàn Thạch... là một hệ thống liên hoàn, có tính đa dạng sinh học rất cao, cũng như văn hóa sông nước rất đặc biệt, do đó cần phải được đánh giá một cách toàn diện. Làm sao bảo tồn, giữ gìn được tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các hệ sinh thái, đa dạng động - thực vật ở vùng cửa sông, các lưu vực sông" - ông Thanh nhìn nhận.

Đối với sông Thu Bồn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đây là một sông lớn và có rất nhiều cồn bãi. Dù vậy, thời gian qua, địa phương chưa có tư duy để quản lý và phát triển ở các khu vực cồn bãi. Thực tế, rất nhiều dự án được cấp và đầu tư manh mún, kể cả việc xây dựng kè cũng không tính đến sự bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở quy hoạch được lập một cách toàn diện, đánh giá tất cả các mặt về kinh tế, tự nhiên, môi trường, văn hóa - xã hội, tỉnh sẽ có định hướng để phát triển hài hòa, hợp lý giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, giữ gìn văn hóa. Tất cả vấn đề này cần phải được thảo luận một cách nghiêm túc, có khoa học, với sự tham vấn của các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực khác nhau và phải được đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm thực hiện trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

https://nld.com.vn/thoi-su/chap-canh-cho-dong-song-di-san-20211012184629369.htm

Ẩm thực

Địa điểm

Twitter