Lối mở cho du lịch cộng đồng

10/12/2021

Quảng Nam có lợi thế nằm trên con đường di sản miền Trung, là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, là nơi hội tụ, kết tinh của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị, nổi bật với hai di sản văn hóa thế giới là khu đền tháp Mỹ Sơn và phố cổ Hội An cùng với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An; có nhiều tiềm năng du lịch tự nhiên và du lịch văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng.


Do có nhiều tiềm năng, miền núi Quảng Nam đang phát triển các mô hình du lịch cộng đồng đặc trưng của địa phương. TRONG ẢNH: Điểm dừng chân Đỉnh Quế (Tây Giang). Ảnh: H.QUANG

Lối mở từ những mô hình

Ngày nay, du lịch cộng đồng được ưa chuộng và có sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Du lịch cộng đồng mang lại nhiều lợi ích kinh tế trực tiếp cho người dân, giúp cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương. Phát triển du lịch cộng đồng là một trong những nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 27.12.2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh bước đầu quan tâm đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, một số mô hình, sản phẩm du lịch cộng đồng đã được hình thành, khẳng định thương hiệu, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Các mô hình, sản phẩm du lịch cộng đồng tiêu biểu như làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, làng du lịch cộng đồng Cẩm Thanh, rừng dừa Bảy Mẫu, làng mộc Kim Bồng, Cù Lao Chàm (thuộc TP.Hội An); làng bích họa Tam Thanh (TP.Tam Kỳ); làng du lịch cộng đồng Triêm Tây (Điện Bàn); làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu (Duy Xuyên)...

Trong số các mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, mô hình sinh thái dựa vào cộng đồng ở Hội An đã trở thành sản phầm du lịch mới lạ, hấp dẫn du khách. Với cách tiếp cận mới, du khách cùng trải nghiệm, sinh sống với người dân bản địa trong các homestay, tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán, cùng hòa mình vào đời sống sản xuất thường ngày của người dân như trồng rau, làm gốm thủ công, tham gia đánh bắt hải sản với ngư dân; chèo thúng, thuyền, dệt chiếu, làm đèn lồng, sản xuất nước mắm; trải nghiệm chế biến những món ăn truyền thống, đặc sắc của người dân phố cổ... đã đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, mới lạ, khó quên...

Theo khảo sát của Sở VH-TT&DL, trên địa bàn tỉnh hiện có 19 điểm du lịch cộng đồng được đưa vào đón khách; trong đó 7 điểm có ban quản lý điểm du lịch, 7 điểm đã thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã. Năm 2019, các điểm du lịch cộng đồng đã đón 1.678.502 lượt khách, doanh thu đạt hơn 55,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ thực tế tổ chức các mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương cho thấy, việc phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều nút thắt, điểm nghẽn cần quan tâm tháo gỡ.

Cụ thể, cơ sở hạ tầng phát triển du lịch cộng đồng còn hạn chế, giao thông chưa kết nối đồng bộ, thiếu bãi đỗ xe và nhà vệ sinh; các dịch vụ du lịch (lưu trú, nhà hàng...) còn hạn chế và chưa đảm bảo nhu cầu của du khách; công tác quản lý du lịch cộng đồng và bảo vệ cảnh quan môi trường còn bất cập, chủ yếu là cách làm du lịch tự phát của người dân, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm có chất lượng, hiệu quả cao; chưa có các sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng đặc trưng; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa hiệu quả; công tác bảo tồn và khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống chưa được đầu tư đúng mức; lượng khách đến điểm du lịch không thường xuyên, dẫn đến thu nhập từ hoạt động du lịch còn thấp.

Một số nơi có tiềm năng về du lịch cộng đồng nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương chưa chủ động tìm giải pháp thích hợp phát triển du lịch tại địa phương. Những nút thắt, điểm nghẽn này, thiết nghĩ cần có giải pháp phù hợp để phát triển du lịch cộng đồng nhanh, bền vững trong thời gian đến.

Nhiều giải pháp

Trước hết, cần thực hiện rà soát, quy hoạch tổng thể các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh; chú ý phát hiện, bổ sung các điểm du lịch cộng đồng mới có tiềm năng để đưa vào quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay số điểm du lịch cộng đồng còn ít và mới chỉ tập trung tại một số huyện, thị thành phố của tỉnh.

Trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh tại các khu vực mới chủ yếu tập trung quy hoạch, định hướng phát triển du lịch trọng điểm tại các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp, chưa quan tâm, chú trọng đúng mức đến đầu tư phát triển du lịch cộng đồng.

Cần sớm ban hành đề án tổng thể phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh theo hướng chú trọng đổi mới tư duy phát triển du lịch cộng đồng theo quy luật kinh tế thị trường, tầm nhìn xa; phát triển du lịch cộng đồng xanh, bền vững, tôn trọng các yếu tố tự nhiên, giữ gìn bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, khai thác có chiều sâu các giá trị lịch sử, văn hóa của đất và người Quảng Nam; phát huy thế mạnh, nội lực của người dân và địa phương tại khu vực phát triển du lịch cộng đồng.

Ngoài ra, cần nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách cụ thể ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, tạo mối gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; mối quan hệ giữa du lịch, nông nghiệp và nông thôn nhằm tạo chuỗi giá trị sản phẩm du lịch có chất lượng, hiệu quả cao, đảm bảo sinh kế tốt cho người dân, lợi ích của doanh nghiệp.

Xác định rõ tiêu chí, điều kiện các điểm du lịch được Nhà nước hỗ trợ đầu tư phát triển. Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động du lịch cộng đồng, khắc phục tình trạng tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng một cách tự phát của người dân tại các địa phương.

Cần tập trung đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng làm cơ sở phát triển du lịch cộng đồng, nhất là đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối đến các điểm du lịch cộng đồng đang được khai thác, các điểm du lịch được quy hoạch, khớp nối với các trục giao thông tại các khu vực phía bắc, phía nam, vùng đông và phía tây của tỉnh.

Thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về phát triển du lịch cộng đồng, làm cho người dân ý thức được vấn đề tạo sinh kế và hưởng lợi ngay tại nơi mình cư trú để tích cực tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Từ đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên du lịch cộng đồng, bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa, nếp sống văn minh trong phát triển du lịch cộng đồng.

https://baoquangnam.vn/du-lich/loi-mo-cho-du-lich-cong-dong-117729.html

Ẩm thực

Địa điểm