Du ngoạn sông Thu

20/12/2021

Lâu nay, trên địa bàn Quảng Nam có rất nhiều tuyến du lịch đường thủy với phong cảnh hữu tình cho du khách lựa chọn trải nghiệm, nhưng ấn tượng nhất phải kể đến tour du ngoạn Thu Bồn.


Bình yên trên sông Thu. Ảnh: Q.T

Rong ruổi cồn, bãi

Khi ánh bình minh ngày mới vừa ló dạng, con thuyền rời bến Thuận Tình (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) để bắt đầu hành trình. Ở đây thuyền gỗ hay ca nô đều có, tùy vào sở thích và điều kiện, du khách có thể chọn phương tiện thăm thú phù hợp.

Một trong những “đặc sản” trên sông Thu chính là phong cảnh cồn, bãi. Dù là đoạn nước nông hay sâu đều có những doi đất nổi lên, sự sống cứ thế sinh sôi giữa bốn bề nước chảy. Người lái thuyền ngoái đầu nói, có đoạn trông như đang ở giữa tim sông chứ thuyền lớn di chuyển không khéo là mắc cạn ngay.

Con thuyền cứ thế trôi đi chầm chậm giữa mênh mang sóng nước, bỏ lại phía sau những giàn rớ đủ màu sắc, những chiếc ghe độc mộc với đôi vợ chồng già gõ cá rộn rịp. Chốc chốc, những đàn cá đối búng tanh tách trên mặt nước. Chúng nhào lộn hệt như đang trình diễn một tiết mục nghệ thuật.

Một người trong đoàn buột miệng: “Mấy loại cá này cứ kho khế hoặc om dưa ăn với cơm là hết sảy”. Chợt nghĩ, không biết đã có đơn vị nào triển khai sản phẩm trải nghiệm cho du khách kéo cá rồi tạt vào bờ tự mình thiết kế một bữa ăn đậm vị quê ngay bên dòng sông thơ mộng này...

Thuyền tạt vào cồn Vĩnh Thành (xã Cẩm Kim, TP.Hội An). Con đường mòn rợp bóng mát và lảnh lót tiếng chim dễ khiến du khách hồi tưởng về tuổi thơ xa lắc. Xa xa trên bãi rộng bạt ngàn, đàn bò nhẩn nha gặm cỏ. Chẳng có dấu hiệu của bê tông, mấy căn nhà tranh lụp xụp, rào giậu thưa chỉ có cỏ dại chen chúc cùng hoa.

Chẳng cần phải cải tạo, sắp đặt, khu vực này tự nhiên đã là điểm đến xanh mà các nhà làm du lịch đang hướng tới, trong khi du khách - nhất là khách quốc tế thì khao khát được lạc vào.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An chia sẻ, mùa mưa lụt thì khu vực này thường phải chịu thiên tai khốc liệt. Các khoảng thời gian khác trong năm thì nơi đây khá thích hợp để phát triển du lịch bởi nó còn giữ được nguyên vẹn sự hoang sơ đặc trưng của một làng quê vùng hạ lưu sông Thu Bồn.

Chờ sông trở mình

Thi thoảng mọi người trong đoàn lại bị mất định vị. Khi mới ở cồn này là đất Hội An thì thuyền tạt qua mạn kia đã là Điện Bàn. Có khúc liền nhau nhưng một nửa của Hội An, một nửa Duy Xuyên. Thậm chí có nút giao trên sông, chẳng biết là địa giới của nơi nào.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, sau này khi sông Thu Bồn được quy hoạch bài bản, những cồn bãi trên sông sẽ rất thích hợp để kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch sinh thái đúng nghĩa. Các sản phẩm phục vụ du khách sẽ chỉ xoay quanh loại hình này và không phá vỡ cấu trúc không gian của khu vực này.

Qua quá trình bồi tụ của mình, hai bên bờ sông Thu Bồn đã hình thành một hệ sinh thái chứa đựng nhiều câu chuyện, giá trị độc đáo riêng biệt. Những nương dâu đang dần xanh rờn trở lại.

Riêng huyện Duy Xuyên đã có đề án phục hồi 60ha cây dâu để phục vụ sản xuất và du lịch. Mới đây, địa phương cũng đã khởi công trùng tu di tích Lăng mộ bà Đoàn Quý Phi. Ước vọng về một điểm dừng nghỉ cho du khách sẽ thành hiện thực. Để du khách được lắng nghe câu chuyện về vị chúa Nguyễn từng ngự thuyền trên sông Thu trong đêm trăng tìm tiếng hát trong trẻo từ cô gái quê hái dâu.

Và, lãng đãng trên sông, để thấy, để nghe rải rác những ngôi làng, điểm chợ thân thương hoặc vẫn đang hoạt động, hoặc đã khép lại trở thành hoài niệm quá khứ. Một ngày ngược dòng sông Thu xem ra cũng mới chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”. Bởi, dòng chảy từ quá khứ đến hiện tại của một vùng rộng lớn xứ Quảng đều thấm đẫm vào con sông hiền hòa này.

Thời gian qua, chúng ta chưa có một tư duy để quản lý, phát triển không gian cồn bãi. Trên cơ sở lập quy hoạch toàn diện, đánh giá tất cả các mặt, Quảng Nam sẽ có định hướng phát triển hài hòa giữa kinh tế, môi trường và bảo tồn văn hóa trên lưu vực sông Thu Bồn. Tùy từng khu vực đã được xác định trong quy hoạch, sẽ xác lập khu vực nào bảo tồn nghiêm ngặt, khu vực nào cho phép khai thác, khai thác loại hình gì và chủ thể khai thác là ai để phát huy tối đa giá trị con sông”.

(Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh)

http://baoquangnam.vn/du-lich/du-ngoan-song-thu-111448.html

Ẩm thực

Địa điểm

Twitter