Quảng Nam – Chiều sâu một vùng đất

05/11/2021

LỜI TÒA SOẠN: Năm 2021 này là tròn 550 năm danh xưng "Quảng Nam" ra đời dưới triều vua Lê Thánh Tông (1471) với tên gọi Quảng Nam thừa tuyên đạo. Qua 5,5 thế kỷ, vùng đất ấy đã nếm trải và vượt lên mọi biến cố thời cuộc, được ghi nhận là đất anh hùng và trở thành một điểm sáng về vượt khó để phát triển.

"Từ thuở mang gươm đi mở cõi"

Đạo thừa tuyên Quảng Nam khi ấy gồm vùng đất từ sông Hương An (ở nơi ranh giới giữa huyện Quế Sơn và huyện Thăng Bình trên đất Quảng Nam hiện hữu) vào cho đến đèo Cù Mông (ranh giới giữa 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên ngày nay)

Quảng Nam (nay bao gồm cả Quảng Nam và Đà Nẵng) vốn một thời là hai nửa trực thuộc vào hai đạo thừa tuyên dưới thời Lê sơ: nửa phía Bắc từ sông Hương An trở ra trực thuộc vào đạo thừa tuyên Thuận Hóa và nửa phía Nam từ sông Hương An trở vào trực thuộc vào đạo thừa tuyên Quảng Nam.

Bình Chiêm, lập đạo thừa tuyên

Nửa phía Bắc thuộc về đất "cầm cưới" của vua Chăm Pa là Jaya Simhavarman (tức Chế Mân) vào năm 1306 để hỏi cưới công chúa Huyền Trân, con gái của vua Trần Nhân Tông. Còn nửa phía Nam thì muộn về sau này, khi vương quốc Chăm Pa bước vào giai đoạn suy tàn, nội bộ lục đục, và anh em chú cháu tranh nhau quyền lực, người chạy sang nhà Minh xin vua Minh đem quân đánh Đại Việt, trong khi Đại Việt đang phải gồng mình ngăn chặn âm mưu bành trướng của phong kiến Minh triều xuống phương Nam. Chúng vốn không chỉ đe dọa đối với sự sống còn của Đại Việt mà cả đối với số phận của vương quốc Chăm Pa và thế giới Đông Nam Á lúc bấy giờ. Nếu không có cuộc đương đầu bịt đường Đông - Bắc của Đại Việt thì cả Chăm Pa và Đông Nam Á đã thuộc về đồ bản của đế chế Bắc phương.

Nhưng vào năm 1469, sau gần 10 năm chuẩn bị, lại được sự ủng hộ của nhà Minh, vua Chăm Pa là Trà Toàn bắt đầu cho quân kéo ra đánh phá Hóa Châu của Đại Việt. Tháng 8 năm sau (Canh Dần, 1470), Trà Toàn đem trên 10 vạn quân thủy bộ và voi ngựa ra chiếm Hóa Châu. Thủ ngữ Kinh lược sứ Thuận Hóa là Phạm Văn Hiển không chống cự nổi, buộc phải rút vào thành cố thủ và phi báo về triều đình. Vua Lê Thánh Tông bèn quyết định thân chinh. Tháng 10 năm đó, vua sai sứ sang nhà Minh trình việc người Chiêm quấy nhiễu. Tháng 11, vua xuống chiếu thân chinh, sai Thái sư Đinh Liệt, Thái bảo Lê Niệm làm Chính - Phó chinh Lỗ tướng quân, mang quân tiên phong đi trước, còn vua thân suất đại quân đi sau.

Tháng 2 năm sau (1471), đại quân vào đến Thăng Hoa (tức Thăng Bình). Trà Toàn sai em đem 6 tướng cùng 5.000 quân đến bức dinh trại vua Lê nhưng bị đánh tan. Quân Lê tiến thẳng đến Trà Bàn (kinh đô của Chăm Pa ở Bình Định) và bắt sống Trà Toàn. Hạ xong thành Trà Bàn, ngày hôm sau (mùng 2 tháng 3), nhà vua ra lệnh ban sư và đem quân về lại Thăng Long.


Vùng đất Quảng Nam từng diễn ra quá trình giao thoa lịch sử - văn hóa sâu sắc giữa các vương triều Đại Việt và Chăm PaẢnh: Lê Trọng Khang

Sau chiến thắng vào năm 1471, vua Lê Thánh Tông cho lập ra đạo thừa tuyên Quảng Nam, gồm vùng đất từ sông Hương An (ở nơi ranh giới giữa huyện Quế Sơn và huyện Thăng Bình trên đất Quảng Nam ngày nay) vào cho đến đèo Cù Mông (ở nơi ranh giới giữa 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên ngày nay), tức bao gồm vùng đất Nam Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định hiện tại. Tên gọi "Quảng Nam thừa tuyên đạo" còn nói lên một miền đất rộng rãi về phương Nam, trong cái nhìn địa chiến lược đối với vùng đất hoang hóa ở Nam Bộ. Về phía giai cấp thống trị Chăm Pa, trong suốt thời gian dài huy động sức người sức của để xây dựng đền tháp và gây chiến tranh với các quốc gia láng giềng là Đại Việt và Chân Lạp thì đến đây cũng đã đuối sức và dần đi vào giai đoạn tàn tạ.

Nam tiến, khai canh khai cơ

Bước sang thế kỷ XVI, nhà Lê chuyển sang giai đoạn suy yếu và bị mất ngôi, nhà Mạc lên thay. Con cháu nhà Lê được bề tôi cũ là Nguyễn Kim cùng con rể của Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm giúp rập dựng dậy trở lại (gọi là trung hưng) và đem quân đi đánh nhà Mạc để giành lại ngôi vua. Nhưng trên đường tiến quân, Nguyễn Kim bị hàng tướng của nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc. Nhân cơ hội đó, Trịnh Kiểm tìm cách độc chiếm quyền lực; do đó, con trai của Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng buộc phải xin vua Lê cho vào trấn thủ Thuận Hóa để tránh sự hãm hại của Trịnh Kiểm. Sau khi vào đây, ông còn được vua Lê cho kiêm thủ cả dinh Quảng Nam (lúc bấy giờ dinh dùng thay đạo thừa tuyên). Vào năm 1602, sau khi ổn định việc thiết đặt chính dinh trên đất Thuận Hóa (nơi đóng phủ chúa), Nguyễn Hoàng bắt đầu đi vào thị sát hình thế dinh Quảng Nam; và 2 năm sau (1604), ông quyết định tách huyện Điện Bàn Lê sơ, gồm vùng đất từ đèo Hải Vân vào đến sông Hương An ra khỏi dinh Thuận Hóa, đem sáp nhập vào dinh Quảng Nam và cho thăng làm phủ, đồng thời lấy Thanh Chiêm thuộc Điện Bàn làm nơi đặt lỵ sở hành chính của dinh Quảng Nam. Cũng từ đây, vùng đất từ đèo Hải Vân vào đến Dốc Sỏi được hợp nhất, tất nhiên dinh Quảng Nam lúc bấy giờ còn bao gồm cả Quảng Ngãi và Bình Định.

Cũng ngay lúc bấy giờ, với cặp mắt tinh tường, chúa Tiên Nguyễn Hoàng nhìn thấy Quảng Nam chính là hậu phương (hậu dinh) làm thế ỷ dốc cho chính dinh Thuận Hóa trong cuộc đối đầu với họ Trịnh sẽ diễn ra. Các chúa Nguyễn tiếp theo đã thực hiện chiến lược đề ra từ thời Lê Thánh Tông, một mặt đối phó với họ Trịnh ở phía Bắc, mặt khác đẩy mạnh công cuộc Nam tiến. Dân nghèo ở phía Bắc di cư, số tù binh của họ Trịnh bị bắt, cùng với những người dân Việt vùng Thuận - Quảng được chuyển cư lập nghiệp, họ vào khai phá, lập làng trên vùng đất từ Phú Yên trở vào đến Bình Thuận, dưới sự khuyến khích của các chúa Nguyễn. Trong đó, chủ công chính là người dân Quảng Nam. Cũng ngay từ cuối thế kỷ XVI, đã có một bộ phận dân nghèo người Việt và người Chăm vì tránh chiến tranh đã đi sâu xuống phương Nam, phối hợp cùng với người Khmer tại chỗ và bộ phận "trốn xâu, lậu thuế" mới nhập cư đến đây, đã tiến hành việc khai phá đất Nam Bộ, lúc bấy giờ đang bị hoang hóa từ sau ngày Vương quốc Phù Nam bị sụp đổ...

HUỲNH CÔNG BÁ (tiến sĩ sử học)

https://nld.com.vn/mien-trung-tay-nguyen/quang-nam-chieu-sau-mot-vung-dat-20210613214920558.htm

Ẩm thực

Địa điểm