BẰNG AM

Thôn Phước Lâm, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, Việt Nam Xã Đại Hồng, Huyện Đại Lộc, Tỉnh Quảng Nam
vhttdailoc@gmail.com
02353770309

Mô tả

Nằm trên đỉnh của dải núi Bằng Am - Bàn Cờ, ở độ cao so với mực nước biển từ 700-800m, Bằng Am có mặt bằng rộng trên 380 ha, thuộc địa phận thôn Phước Lâm và thôn Hòa Hữu, xã Đại Hồng. Dưới chân núi Bằng Am có tuyến Quốc lộ 14B đi qua khu du lịch Khe Lim, cách trung tâm huyện 23km, cách thành phố Đà Nẵng 45 km về phía Tây Nam, cách Hội An 46 km về phía Tây.

Sở dĩ có tên Bằng Am vì tại đây hơn một trăm năm trước là nơi ẩn cư của một chí sĩ yêu nước thời Cần vương, và những giai thoại dân gian kể về ông quả là một câu chuyện dài ly kỳ…

Ông tên thật là Bùi Ngọc Châu, đạo hiệu Thiền Định, sinh năm Kỷ Mão triều Gia Long; quê làng Bát Vọng, phủ Thừa Thiên. Làm quan ở  Phủ Nội vụ thuộc Bộ Công, triều vua Tự Đức. Được vua cử theo phái bộ Nguyễn Thành Ý sang Pháp nghiên cứu công nghệ máy móc Tây dương nhằm khi về nước lo việc canh tân, mở mang công nghệ nước nhà. Thời gian ở Pháp, nhờ có tư chất thông minh, khéo tay sáng dạ, ông đã nghiên cứu học tập được cách chế tạo nhiều loại máy móc tân kỳ của người Âu thời bấy giờ nên người ta thường gọi ông là “chú Sáu Máy”. Đất nước đang thời kỳ bị giặc Pháp xâm lược, triều đình nhu nhược, vua nghe lời nịnh thần chủ hòa cắt dần giang sơn cho giặc. Chán cảnh quan trường nô lệ, không thi thố được chí lớn nên ông rũ áo từ quan, từ biệt quê nhà, vai gánh đôi bầu hành lý tùy thân, trong đó có bộ triều phục của mình, cất bước Nam du qua đèo Hải Vân với ý nguyện gặp gỡ, tập hợp những bạn bè, đồng chí, đồng liêu mưu cầu đại sự, tìm con đường diệt thù cứu nước. Khi vào đến Hà Nha-Đại Đồng, tá túc tại chùa Cổ Lâm, ông gặp gỡ và kết giao cùng thiền sư Quản Thạch, Bốn Kế, Ông Thị Thất Sơn, Trình Hiền Đỗ Đăng Tuyển…những yếu nhân của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam sau thất bại năm 1887 cũng đang ẩn mình qua lại nơi đây chờ thời cơ mới.

Sau sự cố chùa Cổ Lâm bị tri huyện Phạm Ngọc Lãng ra lệnh đốt phá vào năm 1897 vì nghi ngờ trong chùa có người làm “quốc sự”, sư cụ trụ trì và bà vãi phải tự thiêu, những người trú ngụ trong chùa đành lưu tán tứ xứ, kẻ vào Nam, người ra Bắc. Riêng thầy trò ông Sáu Máy và Bốn Kế, lúc này đã là tăng nhân với pháp danh là Hoằng Nhẫn và Hoằng Cam thì lánh cư tu ẩn tại vùng núi Hữu Trinh-Hòa Hữu (Bằng Am ngày nay).

Những ngày đầu tiên đến vùng rừng núi hoang vu, là nơi “con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh” nhưng với phong cảnh hữu tình, vẻ cô liêu tịch mịch, mây lượn lững lờ, núi non kỳ vĩ, rừng thông xanh cao vút hòa quyện theo khói lam chiều, xa xa dòng sông như dải lụa xanh trôi xuôi, tạo nên bức tranh sơn thủy hợp với lòng người quy ẩn. Thầy trò ông chọn một chiếc hang đá tự nhiên dưới rừng thông, bên suối nước chảy róc rách làm nơi trú ngụ. Cũng bởi từ đặc điểm nơi ở, nên người dân quanh vùng kính cẩn gọi ông là Đức Tùng Sơn.

Từ đó, thầy trò đức Tùng Sơn tháng ngày chuyên tâm đọc sách thánh hiền, nghiên cứu kinh kệ Phật pháp, thường xuyên giao du với các danh sĩ trong vùng như cử nhân Lương Thúc Kỳ, chưởng ấn Nguyễn Văn Quỳ cùng các bậc tú, cử, nho, y… danh tiếng khác. Ông còn nấu thuốc luyện đơn chữa bệnh cho dân nghèo vùng chín xã Sông Con, cứu giúp kẻ cô thế nên được người dân quanh vùng tôn vinh như bậc tiên thánh. Uy tín, tài năng và đức độ của thầy Tùng Sơn ngày một bay xa khiến bọn quan lại Nam triều, tay sai của thực dân Pháp bắt đầu để ý nghi ngờ, dòm ngó .

Quanh các làng Hữu Trinh, Hòa Hữu, Phước Lâm thuộc xã Đại Hồng, hay tận vùng bờ bắc sông Vu Gia như Hà Tân, Đại An, Hà Dục…còn lưu truyền trong dân gian nhiều chuyện ly kỳ về tài năng võ nghệ của thầy Sáu Máy. Một lần, sau khi bốc thuốc chữa bệnh cho bà con dưới làng Hữu Trinh, trên đường trở về am ông gặp một con cọp hung dữ xông ra chặn đường. Ông từng nghe kể con cọp này bắt trâu bò của dân và đã giết nhiều người. Trong tay không tấc sắt nhưng chỉ bằng chiếc khăn quấn cổ và vốn võ nghệ của mình, qua vài đường quyền, ông đã quật ngã con hổ dữ và làm cho nó đau đớn, hốt hoảng chạy biến vào rừng, từ đó không còn dám ra quấy nhiễu dân làng nữa.

Từ lời đồn thổi trong nhân dân về tài nghệ và việc làm của thầy Tùng Sơn, tên Quản Sơn chỉ huy đồn An Điềm nghi ngờ ông đang hoạt động “quốc sự” nên sai lính đến vây bắt giải về phủ Điện Bàn để tâng công. Vừa gặp ông, nó trợn mắt, tay tóm cổ áo rồi quát: “Mày định làm quốc sự à?”. Nhanh như cắt, bằng một động tác võ nghệ điêu luyện, người ta chỉ nghe Quản Sơn la lên một tiếng rồi đổ kềnh ra đất trước bao con mắt ngạc nhiên và thán phục của nhiều người. Lần ấy, ông theo lính về phủ Điện Bàn, gặp Lãnh binh Đình Điềm là người quen cũ bảo lãnh nên được tự do. Tên Quản Sơn bị quở trách là quấy rối người ẩn sĩ.

Cuối mùa Xuân năm Thành Thái thứ 12 (1900), buổi sáng thầy Tùng Sơn xuống làng gặp người đệ tử của mình là thầy Bốn Kế (cháu gọi cụ Nguyễn Duy Hiệu bằng chú ruột) dặn rằng: “Khi nào thấy cửa động có khói là ta đã tịch. Con nhờ mọi người lên đậy giúp nắp thạch quan cho ta!”. Đêm ấy vào tiết Trung nguyên, trăng sáng vằng vặc. Dân chúng nhìn lên phía Am Thông thấy một vầng khói quyện lờ mờ thì biết là thầy Tùng Sơn đã an nhiên nhập định. Sáng hôm sau, dân làng kéo lên am thực hiện lời di huấn của thầy thì thấy mối đã đùn lấp kín miệng hang thạch táng nơi thầy tịch diệt. Trong am còn để lại bài kệ:

Tịch cốc đăng tiên lộ

Tùng Sơn cổ thất tằng

Trường sanh đơn khả tín

Bất lão bạch văn tăng.

 

Và bài thơ:

CẢNH THẾ

Chài danh câu lợi ủa mà chi

Lợt lạt mùi thiền họa có khi

Khe hạc sóng yên miền tế độ

Non tùng bia tạc đá còn ghi

Tòa sen phất phất đưa hương nhẹ

Áo tuyết phau phau chút bụi gì

Ngoảnh lại Hoàng Châu thương những kẻ

Khối trần đẽo mấy cũng còn y.

Cho đến ngày nay, những câu chuyện về người ẩn sĩ trên núi Bằng Am hơn một trăm năm trước vẫn còn lưu truyền trong dân gian như một huyền tích đầy tính nhân văn kể về vùng đất, con người đã có một bề dày truyền thống văn hóa - lịch sử.

Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Bằng Am là căn cứ của Cách mạng, nơi trú ẩn của các chiến sĩ giải phóng. Trong chiến dịch Thượng Đức, tại đây có trận địa pháo bắn thẳng vào cứ điểm của quân thù. Do phải hứng chịu nhiều đợt bom rải thảm của máy bay B52, hàng ngàn cây thông cổ thụ bị đốn ngã, rất nhiều hang động bị phá tung nhưng cho đến nay, Bằng Am vẫn còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ vốn có của nó như đã được thiên nhiên ban tặng.

Bằng Am là nơi có khí hậu rất lý tưởng. Ban ngày thời tiết mát mẻ, ban đêm se lạnh, nhiệt độ trung bình thường thấp hơn 8 -10ºC so với khu vực đồng bằng hay thành phố Đà Nẵng, hợp với mọi người cần nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Sáng sáng, chiều chiều những làn mây mỏng lững thững trôi qua đỉnh, du khách có thể đưa tay vờn bắt, đùa giỡn. Một quang cảnh gợi ý, sinh tình cho những ai mang tâm hồn thơ mộng./.

Điểm lân cận

Bản đồ