Làng dệt Zara

Làng Zara, Xã Tà Bhinh, Huyện Nam Giang, Tỉnh Quảng Nam
vistor@quangnamtourism.com.vn

Mô tả

Du khách lên làng Zara thường đi theo quốc lộ 14C, từ Đà Nẵng qua địa bàn H.Đại Lộc (Quảng Nam) với tổng chiều dài khoảng 80km. Xuất phát từ TP.Tam Kỳ, theo tuyến ĐT 619 từ TT.Vĩnh Điện, H.Điện Bàn lên khoảng 140km; nếu theo quốc lộ 14E (qua các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn, Nam Giang) thì khoảng cách xa hơn.

Thôn Zara (còn gọi là Zơra), xã Tà Bhing cũng là nơi tập trung đông nhất người làm nghề dệt thổ cẩm. Đến Zara, không phải cảnh mỗi nhà một khung cửi, tiếng thoi lách cách rộn rã từ ngoài đường vào trong xóm, mà tất cả các thợ dệt trong làng tập trung vào một nhà, cùng nhau dệt vải, tra cườm. Vải thổ cẩm dệt xong được đưa vào xưởng may tập trung, mỗi người một công đoạn, may váy quấn, khố, tấm đắp, túi… và nhiều loại vật dụng khác.

Trước đây, loại cườm phổ biến mà người Cơ Tu sử dụng là hạt cây và hạt đúc từ chì. Hạt cây arạc có nhiều ở rừng được người dân lấy về tra sợi dệt vải và xâu vòng cổ, vòng đeo tay, chân… Tuy nhiên hạt cây này không bền nên sau này không được dùng nữa. Còn hạt cườm từ chì được nấu từ chì nung chảy, đổ lên đá và lấy que tre tách hạt, miết tròn và chích lỗ rồi thả vào nước lạnh cho cứng viên chì lại.

Ngày nay, người Cơ Tu dùng loại hạt cườm nhựa sản xuất sẵn phổ biến ngoài chợ để dệt trong những tấm vải thổ cẩm của mình, bởi ưu điểm tiện dụng, nhiều màu sắc và đa dạng, đồng thời bền hơn nhiều.

Thổ cẩm của người Cơ Tu Zara được làm hoàn toàn thủ công và khép kín, từ khâu trồng cây nguyên liệu như bông, gai, đay, xe sợi, nhuộm, dệt vải, tạo hoa văn, tra cườm, thêu… cho đến may thành sản phẩm. Các khung dệt ở đây cũng được làm hết sức thô sơ, chỉ từ những thanh tre, nứa…

Để dệt nên một hoa văn cườm, người thợ phải cắt sợi ngang rồi chèn các hạt cườm vào, tuỳ theo trí tưởng tượng của mình mà thêm hay bớt hạt. Số hạt càng nhiều, hoa văn dệt càng khó, và ngược lại. Hoa văn cầu kỳ thể hiện sự tinh xảo của đôi tay người thợ dệt, và tuỳ hứng sáng tạo mà các hoa văn tạo ra mỗi lúc không giống nhau.

 

Để hoàn thành một sản phẩm, thường rất mất thời gian, một phụ nữ Cơ Tu phải mất hàng tuần, thậm chí đối với những sản phẩm tinh xảo, có hoa văn khó, phải mất tới cả tháng. Hoa văn thổ cẩm Cơ Tu thường được dệt bằng sợi bông trắng trên nền vải đen hoặc sẫm màu.

Người Cơ Tu ở Zara không sinh sống bằng nghề dệt thổ cẩm, mà bằng nghề làm rẫy. Ngày thường, hầu hết đàn ông, phụ nữ ra rẫy làm việc, chỉ vào những ngày cuối tuần hoặc khi việc rẫy không bận rộn, người ta mới ngồi vào khung cửi. Chỉ những người trong hợp tác xã may thì mới tập trung trong một ngôi nhà sàn để may, thêu các sản phẩm…

Ông Nguyễn Ngọc Toàn cho biết, nghề dệt thổ cẩm được khôi phục đã giúp cải thiện đáng kể đời sống của người Cơ Tu Zara. Trong dịp Festival Di sản Quảng Nam, làng dệt thổ cẩm Zara đã được đưa vào tour du lịch mới, giới thiệu với hàng chục công ty du lịch, lữ hành từ Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.

Ngoài việc giới thiệu với du khách từng công đoạn của nghề dệt tại ngôi nhà chung, giới thiệu sản phẩm, du khách còn được ngồi vào khung dệt, tự tay đưa thoi theo hướng dẫn của các bà, các chị ở làng. Những bộ trang phục Cơ Tu mới tinh còn thơm mùi vải bông cũng được chuẩn bị sẵn dành cho những du khách thích chụp hình.

Những dự định này, mặc dù mới bắt đầu khởi dựng, nhưng đã đem lại niềm hy vọng mới, giúp thay đổi đời sống của bà con ở đây. Không chỉ giúp đồng bào Cơ Tu Nam Giang giữ được nghề truyền thống, có thêm việc làm, tăng thu nhập, mà dự án đưa làng nghề dệt thổ cẩm vào tour du lịch còn giúp cho du khách hiểu thêm về văn hoá bản địa, nơi tạo ra nghề dệt độc đáo này.

Nguồn: https://baotayninh.vn/doc-dao-tho-cam-cuom-zara-dong-giang-quang-nam--a12245.html

Nguồn ảnh: làng dệt zara - Google Tìm kiếm

 

Điểm lân cận

Bản đồ